Chống tham nhũng phải dựa vào dân

27-07-2015 09:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Báo chí những ngày gần đây liên tiếp đưa tin những vụ bắt giữ nghi phạm tham nhũng như vụ ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt

Báo chí những ngày gần đây liên tiếp đưa tin những vụ bắt giữ nghi phạm tham nhũng như vụ ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt hay ông Giang Kim Đạt với chức vụ nhỏ khi còn làm việc tại Vinashin, trong thời gian ngắn và với vài dự án mà đã có thể kiếm chác hơn 18,6 triệu USD của Nhà nước. Vấn đề dư luận quan tâm không hẳn chỉ là những ai tham nhũng bị phát hiện mà quan trọng hơn là làm sao ngăn chặn được tham nhũng bởi kẻ tham nhũng bị lộ thì những thiệt hại của dân, của nước cũng khó có thể khắc phục, thu hồi đầy đủ. Tình trạng tham nhũng xảy ra hậu quả đầu tiên là xâm hại và ảnh hưởng đến uy tín của đất nước, đồng thời làm giảm sức mạnh quốc gia, kéo lùi sự phát triển khiến nước nhà tụt hậu. Suy cho cùng, thiệt hại về vật chất ấy là từ tiền thuế của người dân và người thiệt hại nhất là nhân dân.

Ở những nơi có nhiều dự án lớn, đặc thù, lại có nhiều lãnh đạo tham nhũng đã bị khởi tố, xử lý được dân hoan nghênh nhưng rõ ràng chúng ta có đầy đủ cơ chế chống tham nhũng rất chặt chẽ, thậm chí coi đó là “quốc nạn”, kẻ tham nhũng là “giặc nội xâm” nhưng rồi mọi thứ tồi tệ vẫn xảy ra. Như vụ Giang Kim Đạt, hằng năm, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đều làm việc tại Vinashin, Vinalines nhưng thật buồn là không phát hiện ra sai phạm. Về quản lý cán bộ của cơ quan chủ quản, hằng năm, công chức Nhà nước đều kê khai tài sản và những tài sản của Giang Kim Đạt chỉ được mua sau khi làm việc tại Vinashin cũng không thể phát hiện được. Nghiệp vụ giám sát kiểm tra của chúng ta yếu hay nhiều khi có lúc, có nơi chỉ chống tham nhũng một cách hình thức.

Điểm dễ lộ nhất của tham nhũng là của cải được phô bày. Không ai tham nhũng chỉ để có tiền, vàng đem chôn mà phải tiêu xài, thỏa mãn những dục vọng cá nhân như có nhà cửa, xe sang, ăn chơi bừa bãi phung phí. Khi tài sản, nhà đất, cách sống được “khoe” ra như thế mà không xác định nổi trước con mắt của cấp trên, đồng nghiệp và nhân dân thì tiền, vàng, của ngầm... tha hồ tự do luồn lách.

Chống tham nhũng phải dựa vào dân nhưng từng người dân chỉ có thể nghi ngờ và phát hiện còn chứng minh và tố cáo hẳn không có điều kiện, thiếu bằng chứng có khi còn phạm tội vu khống. Khó hơn là tham nhũng vốn thường chỉ có ở người có chức quyền thì chống tham nhũng tuy không khó nhưng phức tạp hơn nhiều.

Chống tham nhũng phức tạp nhưng không phải là quá khó nếu như trước những hiện tượng không bình thường được cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan điều tra tích cực tìm hiểu và làm rõ. Khó có thể tin một đứa trẻ có thể sở hữu một ôtô, căn nhà; một chị nông dân bỗng một ngày là chủ sở hữu một căn biệt thự. Thậm chí bố mẹ là bần cố nông, dân nghèo khai trong lý lịch lại có thể có khối tài sản kếch xù để lại cho con! Vấn đề là nguồn gốc tiền, của và thái độ trước giải trình về nguồn gốc tiền, của.

Đã tới lúc cần có những quy định mọi giao dịch từ vài chục triệu trở lên phải thông qua tài khoản. Không thể chấp nhận việc mua bán ôtô, nhà đất... hàng tỉ, thậm chí chục tỉ, trăm tỉ đồng nhưng vẫn thoải mái sử dụng thanh toán tiền mặt và vàng một cách hợp pháp. Những giải pháp chống tham nhũng đã có nếu không có kết quả cần xem lại việc thực thi giải pháp, nếu không tác dụng thì điều đơn giản nhất là phải hủy bỏ, thay bằng giải pháp triệt để hơn.

Chống tham nhũng không thể chung chung mà vẫn là từ những con người cụ thể. Cấp trên của kẻ tham nhũng và những người liên quan đã được Nhà nước trao quyền song hành cùng nghĩa vụ thực hiện từ báo cáo tài chính, báo cáo thuế, thanh tra nội bộ cho đến các bộ phận thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức cũng phải có phần chịu trách nhiệm...

Lê Quý

 

 

 


Ý kiến của bạn