Hà Nội

Chống tham nhũng không thể chỉ bằng quy định

27-04-2014 22:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tham nhũng đang là quốc nạn khiến đất nước tụt hậu, niềm tin của nhân dân bị sứt mẻ và chống tham nhũng đang là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân.

Tham nhũng đang là quốc nạn khiến đất nước tụt hậu, niềm tin của nhân dân bị sứt mẻ và chống tham nhũng đang là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân. Những biện pháp chống tham nhũng liên tiếp được đưa ra như việc kê khai tài sản hàng năm đối với cán bộ viên chức, cấm biếu quà trong những dịp lễ Tết, có chính sách thưởng cho người tố cáo tham nhũng bằng tiền... Trên thực tế, không ít quan tham đã phải ra tòa lĩnh án nhưng dường như tham nhũng chưa giảm được bao nhiêu, có khi tinh vi hơn, phức tạp hơn.

Hiểu một cách đơn giản, kẻ tham nhũng là những kẻ cắp. Khác với kẻ cắp trên đường phố, kẻ tham nhũng ăn cắp tiền bạc, tài sản của dân, của nước lớn hơn rất nhiều. Trớ trêu thay, nhìn bộ dạng “thằng ăn cắp” có thể biết mà đề phòng, còn kẻ tham nhũng khi chưa bị lộ đều là những con người khả kính “nói có người nghe, đe có người sợ” đang hàng ngày rao giảng đạo đức và thứ chúng ăn cắp lớn nhất là ăn cắp niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước, với chế độ. Chống tham nhũng không hề dễ bởi thấy kẻ cắp trên ôtô nhiều người còn không dám hô hoán, chỉ im lặng vì sợ phiền toái huống kẻ ăn cắp - tham nhũng lại là người được tin cậy và có uy tín hơn mình, có uy quyền và có thể đập bể nồi cơm của gia đình mình. Khó lắm thay!

Thế nhưng mọi kẻ cắp, từ ăn cắp vặt đến tham nhũng lớn đều giống nhau một điểm là nghĩ hành vi của mình khó bị phát hiện. Kẻ tin ở hai ngón tay hay tài phá khóa, kẻ tin ở hệ thống sổ sách được làm sạch, hợp lý hóa. Có thể lộ thì kẻ định chạy thoát bằng chân, kẻ thì toan chạy bằng những mối quan hệ. Và động lực mạnh hơn cả là lòng tham chiếm đoạt nên không thể hô hào, kêu gọi kẻ cắp lòng tự trọng, sự gương mẫu hay giữ gìn danh dự riêng chung mà thôi ăn cắp!

Những quy định để phòng chống tham nhũng là cần thiết nhưng trước lòng tham và tin vào “tài” của mình, kẻ cắp luôn tìm cách lách qua các quy định, đối phó với các quy định. Chả kẻ cắp nào nhận tài sản bất minh mình có là do ăn cắp được nên các văn bản quy định tưởng chặt chẽ cũng không ngăn cản được làn sóng tham nhũng.  Quy định ban hành nhưng không có khả năng kiểm soát không những trở thành hình thức mà tệ hại hơn, nó sẽ tạo ra tập quán coi thường các quy định của các cơ quan chính quyền.

Tham nhũng tồn tại bởi cơ chế xin cho. Không có cơ chế này sẽ không có móc ngoặc, vòi vĩnh, cứ minh bạch mà làm.

Tham nhũng tồn tại bằng sự thiếu dân chủ, công khai. Có dân chủ, công khai sẽ có công bằng và chả ai phải chạy chọt, hối lộ ngoài việc làm theo đúng luật.

Tham nhũng tồn tại bởi còn những kẻ bao che tham nhũng vì những quan hệ chằng chéo ràng buộc. Xưa kẻ ăn cắp bị bắt là chặt chân để không chạy được. Các quan tham bị lộ không những bị tịch biên gia sản mà quan trên cùng kẻ từng tiến cử cũng bị tội liên quan. Những quan không trực tiếp là quan trên của quan phạm tội nhưng có họ hàng dây mơ rễ má cũng bị bãi miễn. Quan bao che mà cố tình xử sai, tội nặng gấp đôi quan phạm tội. Ấy là cách của người xưa nêu cao “trách nhiệm tập thể” và ngăn, phòng mọi nẻo “chạy”. Người xưa thế huống nay thua kém người xưa?

Vấn đề là có biện pháp sao cho kẻ cắp không dám ăn cắp, không muốn ăn cắp thay vì những biện pháp phòng chống ăn cắp.

Lê Quý


Ý kiến của bạn