Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt. Năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách (năm 2018 tăng 17 người so với năm 2017, năm 2017 tăng 28 người so với năm 2016). Cụ thể, ở Bộ Tài chính là 19 người, Bộ Công an 2 người, An Giang 1 người, Hậu Giang 3 người, Cần Thơ 2 người và nhiều tỉnh khác có từ 1 - 5 người bị xử lý. Về phát hiện và xử lý, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ). Cơ quan điều tra của lực lượng công an đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng. Tòa án đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó, tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5% (giảm 8,2% so với cùng kỳ).
Hoàn toàn không khẩu hiệu, không hô hào mà các quyết tâm chống tham nhũng được thể hiện bằng hành động cụ thể. Trước đây, việc xử lý các quan chức thuộc diện Trung ương quản lý là điều “lạ tai” đối với nhiều người. Nay nhân dân đang quen dần với các thông tin được công bố mỗi ngày liên quan đến việc khởi tố, bắt giam từ lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp địa phương đến lãnh đạo một bộ, tướng lĩnh ngành quân đội, công an, thậm chí là cả Ủy viên Bộ Chính trị. Tất cả, không ai là ngoại lệ, nếu “nhúng chàm” thì quan, dân đều phải đứng trước sự phán xét của pháp luật.
Dù những con số đã nói lên nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan hữu quan nhưng Chính phủ cho rằng công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế. Trong báo cáo gần đây của Chính phủ nhận định, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; Đấu thầu; Đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; Cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Hành động thể hiện quyết tâm ấy là hết sức rõ ràng, cụ thể. Thống kê trong 10 năm qua, số lượng các vụ án, các đối tượng bị truy xét, khởi tố, phạt tù giam liên quan đến tham nhũng, tiêu cực ngày một quyết liệt hơn. Theo tổng hợp của Chính phủ từ năm 2006 - 2016, đã có 8.234 tập thể và 33.722 cá nhân bị kiến nghị xử lý kỷ luật. Những con số biết nói ấy đã minh chứng cho công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn này đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Nhất là kỷ luật, kỷ cương của Đảng đã chứng tỏ cho cả xã hội biết quyết tâm chống tham nhũng về lâu dài, càng ngày càng được người dân hoan nghênh, đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ.
Mới đây nhất, vụ việc 8 cựu lãnh đạo, quan chức đương nhiệm của TP.HCM và Đà Nẵng bị khởi tố liên quan đến các sai phạm của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) là một minh chứng rõ hơn nữa quyết tâm nêu trên của Đảng, Nhà nước ta. Trước đây, khi cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng nắm giữ vị trí Bí thư Thành ủy TP.HCM chưa lâu, dư luận đã bất ngờ trước thông tin ông này bị khởi tố, bắt giam và vừa đưa ra xét xử công khai, phải nhận bản án tù giam nghiêm minh của pháp luật...
Lúc này, dư luận cả nước đều tin tưởng rằng, với những tiền đề đã được khẳng định (không có vùng cấm, không có ngoại lệ), tương lai của cuộc chiến chống tham nhũng là rất sáng sủa, rất khả quan, giúp trong sạch hóa bộ máy của Đảng, chính quyền. Từ đây, niềm tin của xã hội, của nhân dân vào Đảng, vào cơ chế vận hành của Chính phủ chắc chắn sẽ được lan tỏa hơn nữa. Đồng thời, kết quả đó khẳng định sứ mệnh lịch sử, sức sống mãnh liệt của Đảng đối với Tổ quốc, với nhân dân trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.