Thông tin từ UBND phường An Hưng, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) cho biết, hệ thống chống sét cho di tích quốc gia Hòn Vọng Phu mới hoàn thành và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Theo đó, hệ thống chống sét sau khi hoàn thành và bàn giao trong tháng 4 vừa qua đã phát huy ngay tác dụng. Đợt mưa dông kèm sấm sét những ngày cuối tháng 5, hệ thống 2 lần thu được sét (theo dữ liệu đo đếm của hệ thống chống sét) tránh cho Hòn Vọng Phu bị sét đánh.
Hệ thống chống sét cho di tích Hòn Vọng Phu do UBND TP Thanh Hóa đầu tư với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.
Trước đó, vào đêm 15/6/2022, mưa lớn, sấm sét gây sạt lở di tích Hòn Vọng Phu ở 2 vị trí. Vị trí thứ nhất ở phía Tây, gần đỉnh Hòn Vọng Phu bị sạt lở khối đá có kích thước rộng khoảng 1m x 3m. Vị trí thứ 2 ở phía đông Hòn Vọng Phu, sạt lở khối đá có kích thước rộng 2,5m x 3m. Các khối đá bị sạt lở đang nằm ngay tại dưới chân Hòn Vọng Phu.
Để đảm bảo an toàn, Trung tâm nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hoá kiến nghị chính quyền địa phương thông báo về khu vực sạt lở gây nguy hiểm tại núi Hòn Vọng Phu. Khoanh vùng khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở. Lập phương án để xuất các cấp có thẩm quyền xem xét làm cột thu lôi chống sét, cắm biển cảnh báo dưới chân núi để đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách thập phương đến thăm quan tại di tích.
Các ngành chức năng của Thanh Hóa nhiều lần kiểm tra, bàn giải pháp cũng như tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, chuyên gia địa chất, nhà khoa học trung ương và địa phương để tìm giải pháp tối ưu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng sạt lở.
Kết quả, hầu hết các ý kiến đều tán thành việc giao Sở VHTT&DL Thanh Hóa chủ trì, phối hợp lập dự án bảo tồn cấp thiết hòn Vọng Phu, chống sét đánh vào di tích.
Hòn Vọng Phu là một ngọn núi đá vôi khổng lồ, đứng thẳng, bên cạnh là một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này nhìn từ xa trông giống hình tượng người mẹ hóa đá đang bồng con, mong chờ người chồng trong vô vọng.
Di tích Hòn Vọng Phu nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (còn gọi là núi Nhồi), được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992.