Anh Toàn chia sẻ, khi được bác sĩ gọi vào gặp vợ sau 5 ngày thập tử nhất sinh, hai lần chạm lưỡi hái tử thần tôi mừng khôn xiết. Anh kể lại: Khoảnh khắc được gặp nhau, hai vợ chồng mừng mừng, tủi tủi, chỉ biết cầm tay nhau khóc trong niềm vui không tả nổi. Anh Toàn tâm sự 5 ngày qua là những chuỗi ngày buồn vui lẫn lộn. Ngay từ lúc ở Bệnh viện Hà Đông, khi các bác sĩ giải thích là vợ tôi nguy kịch, phải chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, tôi đồng ý ngay. Vì tôi biết: được đến Bệnh viện Bạch Mai là vợ tôi có cơ hội sống, lúc đó tôi chả nghĩ gì đến tâm dịch, hay COVID mà chỉ cần vợ được sống thôi. Rồi đêm ngày 05/4, bác sĩ trưởng khoa lại gọi tôi vào thông báo về tình trạng vô cùng nguy kịch của vợ, gia đình phải chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Lúc đó, tôi chỉ biết xin phép bác sĩ cho tôi được ra ngoài, tôi đã khóc một mình khoảng 30 phút rồi mới gọi điện về báo cho gia đình. Hôm nay, vợ tôi được sống rồi, tôi mừng lắm, tôi xin cảm ơn các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của Khoa Cấp cứu A9, tôi cảm ơn nhiều lắm.
Trước đó, đoạn video clip chỉ vài phút đươc các bác sĩ BV Bạch Mai đưa trên facabook với hình ảnh các bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít lùng bùng dưới mưa ép tim liên tục để cứu một sản phụ suy đa tạng, sốc mất máu được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên BV Bạch Mai trong những ngày Bạch Mai “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì dịch COVID -19 đã tạo ra nhiều cảm xúc trong mỗi người xem.
Những cảm xúc vừa khâm phục, vừa xót xa thương cảm nhưng cũng vừa tự hào rưng rưng về những người thấy thuốc tuyến đầu đầy những thử thách, cam go.
Sau tất cả những nỗ lực, với tâm, tầm, tài và trí lực của các bác sĩ BV Bạch Mai đến ngày 7/4 sản phụ đã được hồi sinh sự sống .
Và đến 9h ngày 9/4/2020, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, ý thức và vận động hồi phục hoàn toàn.
Mặc dù ngừng tim 2 lần, lần lâu nhất là 120 phút nhưng khi thoát khỏi của tử, người mẹ trẻ vẫn nhớ mình có 3 con, vẫn biết rằng, cháu bé sơ sinh đã được về nhà, vẫn nhớ từ tình tiết nhỏ là đã bị ngất từ trước khi sinh... điều đó chứng tỏ não bộ của bệnh nhân không bị thương tổn. Đây là một trong những kỳ tích của nền y học Việt Nam.
Sự hồi sinh của sản phụ T và nhiều bệnh nhân khác đã minh chứng cho quyết định sáng suốt của Bộ Y tế: giao cho Bệnh viện Bạch Mai dù bị phong tỏa, bị cách ly nhưng vẫn tiếp nhận những bệnh bệnh nhân rất nặng từ các tuyến chuyển về. Dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất, Bệnh viện Bạch Mai vẫn luôn khẳng định vị trí của mình trong hệ thống y tế Việt Nam.
Hai vợ chồng anh Toàn mừng mừng, tủi tủi, chỉ biết cầm tay nhau khóc trong niềm vui không tả nổi sau khi vợ đã ít nhất 2 lần vượt qua ranh giới sinh - tử (ảnh Facebook BS. Lương Quốc Chính)
Cũng trong dòng mạch của những cảm xúc rưng rưng và tự hào ấy, vẫn còn nhiều kỳ tích được lập lên. Đó không chỉ là chia sẻ của những người nhà bệnh nhân khi người thân của mình đã vượt qua lưỡi hái tử thần trong hoàn cảnh đặc biệt nhất, đó còn là những tâm sự, những chia sẻ một cách chân thực của chính những bác sĩ trong tâm dịch vẫn vượt lên hoàn cảnh để làm tròn sứ mệnh của mình.
Đây là chia sẻ của Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai về những ngày Bệnh viện nơi anh và các đồng nghiệp đã có những phút giây như thế.
"Trước khi có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vào ngày 28/03/2020 do dịch bệnh COVID -19, nhiều bệnh nhân nặng ở tuyến dưới đã kịp thời được chuyển đến Khoa Cấp cứu A9 và đã được đội ngũ thầy thuốc nơi đây cứu sống một cách ngoạn mục bằng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất. Tuy nhiên, kể từ sau ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập” Bệnh viện Bạch Mai nói chung và Khoa Cấp cứu A9 nói riêng không thể tiếp nhận thêm bất cứ bệnh nhân nào nữa. Nhiều bệnh nhân nặng tại các tuyến không thể được chuyển tới để điều trị. Đây là một khó khăn cho bệnh viện và cũng là sự thiệt thòi rất lớn cho các tuyến và người bệnh.
Trước tình hình này, ngày 01/04/2020, trong một cuộc họp trực tuyến, Chính phủ, Bộ Y tế và Lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai đã tháo gỡ được khó khăn này. Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp tục được nhận các bệnh nhân nặng, cấp cứu và hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến thông qua hội chẩn trực tuyến từ xa.
Ngay trong ngày đầu tiên, sau khi được tiếp tục nhận bệnh nhân nặng, cấp cứu, tập thể Khoa Cấp cứu A9 đã tiếp nhận và cứu chữa cho nhiều bệnh nhân nặng. Nếu những bệnh nhân này không được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 kịp thời thì khả năng cứu được còn rất thấp.
Ngoài trường hợp bệnh nhân nữ trẻ tuổi nói trên, còn có trường hợp bệnh nhân nam, trung tuổi, bị viêm tụy cấp nặng đang điều trị tại bệnh viện tuyến dưới thì xuất hiện rối loạn nhịp tim block nhĩ thất cấp 3. Sau khi hội chẩn trực tuyến từ xa, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Cấp cứu A9 điều trị với các kỹ thuật cao như đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, thở máy và lọc máu liên tục. Hiện, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Hay, một trường hợp bệnh nhân nam giới, 51 tuổi, vào viện tuyến dưới vì đột ngột hôn mê, chụp phim cắt lớp vi tính sọ não có hình ảnh chảy máu não, ngập toàn bộ hệ thống não thất và giãn não thất cấp. Bệnh nhân đã được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 và được các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh mổ nội soi não thất lấy hết máu tụ ngay trong đêm. Đến thời điểm hiện tại tình trạng bệnh nhân này cũng đã cải thiện.
Đến giờ phút này, ngay giữa tâm dịch, y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nói chung và Khoa Cấp cứu A9 nói riêng vẫn không chút nghỉ ngơi, thay phiên nhau điều trị cho người bệnh nặng, tham gia hội chẩn trực tuyến và tiếp nhận bệnh nhân nặng, cấp cứu từ các tuyến chuyển tới. Họ không sợ hãi, họ không nề hà khó nhọc, họ vẫn tận tâm tiếp nhận và chăm sóc người bệnh nặng. Ngày 4/4/2020 đúng 19 năm ngày Khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai được thành lập. Vậy mà trong dịch không ai nhớ tới ngày kỷ niệm ý nghĩa này. Không một lời chúc tụng. Chỉ có những lời động viện nhau hãy cố gắng vì người bệnh trong tâm dịch".