Hà Nội

Chống người thi hành công vụ: Không thể để “nhờn thuốc”

31-08-2019 09:07 | Pháp luật
google news

SKĐS - Theo Bộ Công an, từ năm 2018 đến nay, toàn quốc xảy ra 72 vụ chống lực lượng CSGT đang thi hành công vụ, làm 2 đồng chí hy sinh, 27 đồng chí bị thương.

Điều đó cho thấy, tình hình các đối tượng phạm tội chống người thi hành công vụ trên phạm vi toàn quốc có nhiều diễn biến phức tạp. Phải chăng luật pháp và biện pháp chế tài chưa thực sự nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe các đối tượng?

Tính chất ngày càng nguy hiểm

Mới đây, Công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Ngọc Thảo (SN 1978, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Được biết, trước đó 1 ngày, khi Tổ công tác CSGT huyện Thống Nhất đang làm nhiệm vụ tại Tỉnh lộ đoạn qua thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất thì phát hiện Thảo chạy xe máy không đội nón bảo hiểm, có dấu hiệu uống rượu bia. Lúc này, lực lượng chức năng yêu cầu Thảo dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, Thảo không chấp hành mà tông thẳng xe vào tổ công tác khiến 1 đồng chí trong tổ công tác bị nứt xương chậu.

Một vụ việc khác cũng diễn ra tại Bắc Giang ngày 28/5 khi tổ công tác đã truy đuổi và bắt 2 đối tượng Phạm Văn Nam (sinh năm 1997, Đông Sơn, Yên Thế) và Nguyễn Đức Minh (sinh năm 2003, Đông Sơn, Yên Thế) về hành vi tương tự. Chỉ khác vụ việc trên là các đối tượng không dùng xe tông vào các chiến sĩ cảnh sát giao thông mà gửi xe máy vào nhà dân ven đường rồi đứng cách xa 200m, dùng gạch đá tấn công làm vỡ kính chắn xe ôtô của tổ công tác rồi bỏ chạy...

Chống người thi hành công vụHành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng ngày càng hung hãn hơn (ảnh minh họa).

Còn tại Hà Nội, hẳn dư luận gần đây không khỏi xôn xao về tính chất manh động của đối tượng Nguyễn Quang Hùng (SN 1965, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông) - người đã dùng gạch hung hãn tấn công tổ công tác (Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội) khiến 1 chiến sĩ phải nhập viện cấp cứu. Sự việc được cho là xảy ra ngày 26/7, tại khu vực gần Học viện An ninh trên tuyến đường Nguyễn Trãi thuộc địa bàn phường Văn Quán, quận Hà Đông khi tổ công tác trên đang làm nhiệm vụ đã dừng xe môtô vi phạm kẹp 3, không đội mũ bảo hiểm do người phụ nữ điều khiển để kiểm tra. Trong khi đang xử lý vi phạm thì 1 nam giới tuổi trung niên (1 trong 3 người ngồi trên xe máy) đã không hợp tác, có hành vi chửi bới, lăng mạ tổ công tác, rồi bất ngờ nhặt gạch bên đường hung hãn lao vào tấn công 1 cán bộ trong tổ công tác khiến chiến sĩ này bị rách đầu, chảy nhiều máu... Ngay khi sự việc diễn ra, Tổ công tác đã khống chế, bắt giữ Hùng, đưa về trụ sở Công an phường Văn Quán để làm rõ.

Qua phân tích các vụ chống lực lượng CSGT cho thấy, mức độ vi phạm diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất côn đồ, hung hãn, liều lĩnh, bất chấp hậu quả của các đối tượng ngày càng tăng lên. Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn cản việc bị xử lý, chạy trốn khi bị bắt giữ mà còn ngang nhiên khiêu khích, thách thức, đe dọa lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp sau khi bị bắt giữ, xử lý, đối tượng liền kêu gọi bạn bè, các đối tượng xấu tổ chức thành nhóm mang theo vũ khí, lên kế hoạch tấn công lại lực lượng CSGT để trả thù.

Vì sao?

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chống người thi hành công vụ là do một bộ phận người dân thiếu hiểu biết pháp luật, dễ bị kích động, tâm lý đám đông lôi kéo tham gia dẫn tới các vụ chống đối. Mặt khác, quy định về hình phạt đối với tội phạm chống người thi hành công vụ chưa thật sự nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là thanh thiếu niên còn nhiều bất cập, việc xây dựng phong trào người dân cùng tham gia hỗ trợ lực lượng CSGT giải quyết các vụ việc chống đối trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa thật sự hiệu quả. Cũng phải kể đến tình trạng nhận thức, năng lực, trình độ nghiệp vụ, pháp luật của một số cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn nhiều hạn chế, tác phong không đúng mực và thiếu tôn trọng người dân hoặc có hành vi gây phản cảm. Công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, chiến sĩ sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại công an một số đơn vị, địa phương còn kém hiệu quả và chưa sát tình hình thực tế.

Nói về vấn đề này, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Tình trạng chống đối CSGT ngày càng nhiều là do khung hình phạt đối với tội danh này còn nhẹ, chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội, chưa đủ sức răn đe, chỉ khi hành vi gây nên hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ mới bị xử lý hình sự, còn lại thường chỉ bị xử lý hành chính. Phần nữa là thiếu chế tài xử lý mạnh đối với những người manh động hoặc chây ỳ, ngang bướng đôi co, chống đối với người thi hành công vụ.

Những nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng chống người thi hành công vụ là không mới nhưng trên thực tế, để khắc phục được vấn nạn này vẫn còn nan giải. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao nghiệp vụ, trình độ, tác phong lễ tiết, văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND trong qua trình xử lý, tiếp xúc với nhân dân. Hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ sẽ tạo được hiệu quả trong công tác ngăn ngừa loại tội phạm này, từng bước ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.


Việt Anh
Ý kiến của bạn