Chống ngập khu vực nội đô Hà Nội: Ðâu là giải pháp căn cơ?

08-06-2018 10:24 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngập úng khi mưa to là tình trạng chung ở các đô thị trong thời gian qua. Người dân Thủ đô luôn thắc mắc rằng, tại sao nội đô Hà Nội cách đây 20 năm không bị ngập lụt sau các trận mưa, mà ngày nay ngập lụt lại trở thành vấn nạn và ngày càng trầm trọng? Làm thế nào để giải quyết vấn nạn này một cách bền vững và đâu là giải pháp căn cơ?

Nguyên nhân do đâu?

Nói về việc ngập lụt khu vực nội đô, nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng úng ngập ở Hà Nội là do hiện tượng bê tông hóa mặt đất trong quá trình đô thị hóa làm giảm nghiêm trọng lượng nước mưa ngấm xuống đất và chảy vào ao hồ. Phần lớn nước mưa chảy thẳng vào hệ thống thoát nước gây quá tải và ngập úng. Nếu quá trình đô thị hóa vẫn tiếp tục như vậy thì yêu cầu hệ thống thoát nước ngày một lớn hơn.

Cách đây 20 năm, Hà Nội có rất nhiều ao hồ. Mỗi khi trời mưa, một phần nước mưa sẽ thấm xuống đất và bổ sung nước ngầm cho đất, một phần nước mưa chảy vào các hồ ao, phần còn lại mới chảy vào cống thoát nước và thoát ra sông. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, các nhà quản lý đã không xem xét nghiêm túc tới những thay đổi to lớn môi trường sống trong đô thị. Trong tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng nhiều khu đô thị mới. Nếu không có các giải pháp quy hoạch hoặc giải pháp kỹ thuật phù hợp thì vấn đề úng ngập càng trở nên nghiêm trọng.

Chống ngập khu vực nội đô Hà NộXây dựng hồ ngầm chống ngập có giải quyết được tình trạng úng ngập cục bộ các khu vực nội đô Hà Nội?

Mặc dù Hà Nội đã chi rất nhiều tiền đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước, mua sắm máy bơm hiện đại, cung cấp các phương tiện đắt tiền, trả lương cho cán bộ của công ty thoát nước Hà Nội và áp dụng rất nhiều các biện pháp khác, các nhà quản lý vẫn không giải quyết được vấn đề úng ngập ở Hà Nội. Để giải quyết một vấn đề cần phải tìm ra nguyên nhân và giải quyết từ gốc. Nếu chỉ giải quyết phần ngọn thì rất khó giải quyết triệt để. Việc nâng cấp hệ thống thoát nước luôn chạy theo sau yêu cầu thoát nước mưa ngày càng gia tăng do hiện tượng bê tông hóa nên không giải quyết được việc úng ngập.

Đề xuất xây hồ ngầm chống ngập có giải quyết được tình hình?

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy mới đây, ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chia sẻ về đề xuất UBND thành phố xem xét xây hồ ngầm có thể chứa 2.000m3 nước mưa để chống ngập, chi phí khoảng 25 tỷ đồng, ở khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm).

Theo ông Hùng, Hà Nội hiện còn 12 điểm ngập úng cố hữu thì có 8 điểm sau khi hoàn thành dự án sẽ xoá được, công ty quyết tâm xoá 8 điểm này trong giai đoạn cuối năm 2018. Các điểm ngập úng bao gồm: Đội Cấn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh vành đai 2, Minh Khai chân cầu Vĩnh Tuy, Thụy Khuê, Hoa Bằng, chùa Bút Tháp, Ngọc Lâm. Các điểm này sẽ được giải quyết khi các dự án đầu tư liên quan quan hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn 4 điểm ngập úng cố hữu nằm ở vị trí thấp, trũng, trong đó có 3 điểm như khu vực ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hoả, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát chúng tôi nghiên cứu giải quyết bằng hầm điều tiết nhân tạo. Khi mưa đưa nước về hầm chứa nước thải, hầm điều tiết sau đó điều tiết bằng bơm tự động, lượng nước dùng để tưới cây, phục vụ cứu hỏa, ông Hùng cho biết.

Sau khi xây dựng xong, đơn vị thi công hoàn trả lại mặt đường, giao thông đi lại bình thường. Quá trình thi công hồ ngầm được thực hiện nhanh, không ảnh hưởng đến giao thông, bởi chỉ cần ghép các vật liệu chế tạo từ Polypropylene có độ bền cao và có khả năng chịu tải thẳng đứng 25 tấn. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là giải pháp thí điểm điều tiết nước mưa, chống ngập cho khu vực phố cổ. Với công nghệ này sẽ giải quyết được các điểm úng ngập cố hữu.

Chống ngập khu vực nội đô Hà Nội: Ðâu là giải pháp căn cơ?Mô hình chống ngập úng.

Đề xuất này đã tạo được sự đồng thuận của các chuyên gia thủy lợi và các nhà quy hoạch. Theo PGS.TS. Trần Đức Hạ (Bộ môn Cấp thoát nước, ĐH Xây dựng) cho rằng: Khi chúng ta chưa có quy hoạch căn cơ, đầu tư dài hạn khó làm, cần thời gian, vốn lớn thì hồ điều tiết ngầm là giải pháp trước mắt để chống ngập cục bộ. Tuy nhiên, việc lựa chọn được địa điểm để làm hồ là vấn đề lớn trong bối cảnh đất của Hà Nội hiện nay rất chật hẹp, có thể tận dụng vừa xây dựng hồ điều tiết ngầm mà phía trên vẫn làm các công trình nhẹ như bãi để xe máy, công viên, sân chơi để tận dụng đất”, PGS.TS. Hạ lưu ý.

Còn KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) bày tỏ: “Theo tôi thấy ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất là đào hồ và thứ hai là chống ngập. Việc đào hồ rất khả thi còn có chống ngập hay không thì chưa thể biết được. Vì nước ngầm muốn thoát cũng phải tính thoát đi đâu, trong khi nền đất Hà Nội ngập nước rất cao trên nền sông hồ. Phố cổ Hà Nội bản chất cống thấp hàng trăm năm nay rồi, đồng thời với quá trình đô thị hóa cũng khiến cho việc ngập úng ngày càng nhiều. Vì thế, trước khi kiểm tra việc xây hồ ngầm còn tùy theo địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, địa chất, khu vực… Việc đào hồ ngầm thì được ngay nhưng còn chống ngập hay không phải mưa mới biết được”.

Mặc dù vẫn đang là đề xuất xin ý kiến UBND TP. Hà Nội để thí điểm thực hiện, hy vọng việc này sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng tại các khu vực nội đô, nhất là mùa mưa bão đang đến gần.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn