Chóng mặt xảy đến rất đột ngột với cường độ mạnh, dễ gây cho bệnh nhân cảm giác lo sợ, hoang mang. Với chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, tình trạng chóng mặt bộc phát được kích hoạt bởi những thay đổi tư thế như cúi hoặc ngẩng đầu, quay qua quay lại hoặc ngồi dậy trên giường.
Nguyên nhân gây chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính khá phổ biến, theo các nhà nghiên cứu ước lượng trong vòng 1 năm, có khoảng 107/100.000 người mắc bệnh. Người ta ghi nhận có ít nhất 2,4% số người mắc chóng mặt tư thế kịch phát lành tính ít nhất một lần trong đời.
Đa phần các trường hợp xảy ra đều không có lý do rõ ràng, nhiều người thường mô tả đơn giản thấy tình trạng chóng mặt khi bước xuống giường vào buổi sáng và mọi thứ bắt đầu quay cuồng. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu yếu tố nguy cơ phối hợp thường gặp như chấn thương, đau nửa đầu (migrain), nhiễm trùng tai trong, bệnh đái tháo đường, loãng xương…
Nguyên nhân gây chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là một vấn đề cơ học ở tai trong. Tình trạng này xảy ra khi một số tinh thể canxi cacbonat, hay còn gọi là sỏi tai có ở xoang nang bị rơi ra và di chuyển các kênh hình bán nguyệt chứa đầy chất lỏng (bình thường các ống này không có sỏi).
Nếu một trong các ống này tích lũy đủ sỏi không ở vị trí ban đầu mà di chuyển vào các vị trí khác ở tai trong, thì sẽ gây nên tình trạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.
Trên thực tế, người ta ghi nhận sỏi tai có thể di chuyển vào một hay nhiều ống bán khuyên của hệ thống tiền đình, khi đó có thể trôi lơ lửng trong ống bán khuyên này hoặc dính vào một vị trí khác của tai.
Do vậy, nếu thay đổi vị trí của đầu như xoay đầu sang bên phải thì sỏi tai sẽ chuyển động, sự chuyển động này khiến cho não bộ của bạn cho rằng bệnh nhân đang di chuyển, dù thật sự điều đó không xảy ra. Điều này khiến người bệnh bị chóng mặt. Nếu giữ yên một vị trí thì sỏi tai sẽ không di chuyển nữa, lúc này tình trạng chóng mặt sẽ hết.
Dấu hiệu chóng mặt kịch phát lành tính
Biểu hiện thường thấy là tình trạng chóng mặt, người bệnh có cảm giác môi trường xung quanh đang quay hoặc di chuyển. Tình trạng này có thể khiến người bệnh mất thăng bằng, chao đảo khi đứng hoặc đi lại.
Kèm theo đó là buồn nôn, nôn, trong cơn chóng mặt kịch phát lành tính, người bệnh thường mô tả thấy có những chuyển động mắt bất thường kèm theo (chiều dọc hay sang ngang). Điều này thường nhầm lẫn với hội chứng tiền đình, khiến cho bệnh nhân tự mua thuốc uống để cải thiện. Nhiều người còn lo sợ biểu hiện của đột quỵ.
Để chẩn đoán bên cạnh sự mô tả triệu chứng chóng mặt của người bệnh, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân các bài kiểm tra giúp chẩn đoán bệnh. Bài kiểm tra cho người bệnh bao gồm sự thay đổi tư thế từ ngồi sang nằm, nhằm mục đích tái tạo một tư thế gây nên triệu chứng chóng mặt.
Các bác sĩ cũng có thể đánh giá chóng mặt tư thế kịch phát này liên quan đến một hay hai tai, ống bán khuyên nào mà sỏi tai đi vào, sỏi tai đang trôi lơ lửng hay dính vào một bộ phận nào đó của tai trong.
Điều trị chóng mặt kịch phát lành tính
Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Có thể điều trị chóng mặt tư thế kịch phát bằng thuốc, trên thực tế chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể tự khỏi, nhưng cũng có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng và không cần điều trị đặc hiệu.
Với trường hợp không tự khỏi, cần điều trị bằng phương pháp gọi là tái định vị sỏi tai. Đây là một phương pháp điều trị không dùng thuốc, an toàn, đơn giản và thực hiện một cách nhanh chóng. Phương pháp này sẽ khiến sỏi tai di chuyển về lại nơi ban đầu, từ đó khiến cho người bệnh hết chóng mặt.
Để lựa chọn phương pháp tái định vị sỏi tai thích hợp, phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, trong đó có xác định được sỏi tai đang ở ống bán khuyên nào, sỏi tai đang trôi hay dính vào vị trí nào trong tai trong.
Điều vô cùng hiệu quả là hầu hết các trường hợp chóng mặt sẽ ngưng ngay sau khi điều trị một đợt, cho dù thỉnh thoảng có lặp lại lần hai hoặc lần ba ở một số người bệnh.
Sau khi điều trị chóng mặt kịch phát lành tính, một số người bệnh vẫn có thể cảm thấy mất thăng bằng hoặc mệt mỏi. Các biểu hiện này có thể tồn tại đến 2 ngày, sau đó sẽ giảm dần.
Nếu biểu hiện chóng mặt đã hết hoàn toàn, người bệnh không cần quay lại cơ sở y tế. Nếu vẫn còn biểu hiện thì sẽ được các bác sĩ chỉ định khảo sát chức năng tiền đình, để kiểm tra và lặp lại quá trình điều trị. Trên thực tế, một vài trường hợp chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể quay lại tái khám để kiểm tra lại và tiến hành điều trị phù hợp.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-