Chóng mặt - phải dùng thuốc theo căn nguyên gây bệnh

03-02-2020 14:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chóng mặt là hiện tượng xảy ra khá phổ biến. Khi có biểu hiện này, người bệnh cần được đi khám và tìm ra căn nguyên gây chóng mặt, không được chủ quan vì có thể dẫn đến những tai nạn nguy hiểm trong sinh hoạt hàng ngày.

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc vì bệnh không được chữa trị do chưa tìm đúng căn nguyên và có thể gặp phải nhiều tác dụng không mong muốn của thuốc.

Chóng mặt là khi người bệnh thấy mọi vật xung quanh quay cuồng, có cảm giác mất thăng bằng, đi đứng không vững, bồng bềnh, hụt bước đi, lâng lâng mất trọng lượng, nôn nao, khó chịu trong người...

Các thuốc điều trị chứng chóng mặt

Chóng mặt do nhiều nguyên nhân khác nhau với nguồn gốc từ ngoại biên hoặc trung ương. Chóng mặt do ngoại biên có thể xảy ra từ tư thế thay đổi đột ngột, từng bị chấn thương đầu, viêm và sưng tai trong, viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh Ménière... Chóng mặt do trung ương có thể do bệnh đau đầu Migraine, đa xơ cứng hệ thần kinh trung ương não và tủy sống, u dây thần kinh thính giác, u não tấn công tiểu não, tắc nghẽn mạch máu não, dùng một số thuốc điều trị ảnh hưởng... Việc sử dụng thuốc điều trị chóng mặt phải theo căn nguyên mới có hiệu quả. Phần lớn các thuốc điều trị đều là thuốc bác sĩ kê đơn.

Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh lý gây nên.

Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh lý gây nên.

Thuốc kháng sinh và kháng viêm: Nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị chóng mặt do nhiễm vi khuẩn gây viêm mê đạo, viêm dây thần kinh tiền đình của tai... Kháng sinh thường dùng là cefuroxim, clarithromycin, amoxicillin... Kháng viêm thường dùng là loại corticosteroid như prednisolon, dexamethason, betamethason, clobetasol... Liều lượng sử dụng phải tuân theo chỉ định thuốc kê đơn của bác sĩ. Lưu ý, các thuốc kháng viêm corticosteroid khi sử dụng trong một thời gian dài có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng và có nguy cơ ảnh hưởng đến thận, tim mạch... Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không lạm dụng để tránh các nguy cơ nói trên.

Thuốc chống dị ứng: Thuốc nhóm này là thuốc kháng histamin H1. Thực tế thuốc thường được sử dụng trong điều trị chóng mặt do có tác dụng điều chỉnh hoạt động của phần tai trong, giúp kiểm soát và duy trì trạng thái thăng bằng của cơ thể. Các loại thuốc thường dùng là diphenhydramin, betahistin, meclizin... Lưu ý, nhóm thuốc kháng histamin H1 có tác dụng phụ gây buồn ngủ, do đó không được sử dụng khi đang lái tàu xe, vận hành máy móc; thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú...

Thuốc kháng tiết cholin: Đây là nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị các trường hợp chóng mặt và buồn nôn do bị say sóng, say tàu xe... Thuốc phổ biến được dùng là scopolamin. Không được dùng thuốc này cho những người bị bệnh tăng nhãn áp, phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, trẻ em dưới 8 tuổi...

Thuốc đối kháng calci có chọn lọc: Nhóm thuốc này có tác dụng giãn mạch ngoại biên, tăng cường tuần hoàn máu ở tai trong. Ngoài tác dụng đối kháng calci có chọn lọc, chúng còn có tác dụng giống nhóm thuốc kháng histamin nên thường được sử dụng để điều trị chóng mặt do say sóng, say tàu xe, bệnh đau nửa đầu... rất có hiệu quả. Thuốc thường sử dụng là cinnarizin, flunarizin... Nhóm thuốc này cũng có tác dụng phụ gây buồn ngủ, vì vậy, không được sử dụng khi đang lái tàu xe, vận hành máy móc.

Thuốc tăng cường tuần hoàn não: Sử dụng nhóm thuốc này có tác dụng giúp tăng cường khả năng vận chuyển máu lên não, kích hoạt não bộ thực hiện tốt chức năng dẫn truyền thần kinh; làm giảm chứng chóng mặt, ù tai... Các thuốc thường sử dụng là piracetam, vinpocetin... Khi dùng các thuốc này, người bệnh có thể thấy bứt rứt, lo âu, rối loạn giấc ngủ... Nếu có bất kỳ biểu hiện nào khác thường khi dùng thuốc tăng cường tuần hoàn não, người bệnh nên thông báo kịp thời cho bác sĩ để được điều chỉnh thuốc.

Thuốc chống lo âu, an thần kinh: Thuốc này thuộc nhóm benzodiazepin. Chúng cũng thường được sử dụng để điều trị chứng chóng mặt, ù tai, điều chỉnh và phục hồi các tổn thương ở tiền đình...; điều trị chứng chóng mặt do bệnh Menière, viêm dây thần kinh tiền đình hay do các nguyên nhân về tâm lý. Thuốc thường dùng là diazepam, clonazepam, lorazepam, alprazolam... Nhóm thuốc này có tính an thần nên không được sử dụng khi đang vận hành máy móc, lái xe; khi dùng liều cao trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng nghiện hay lệ thuộc thuốc.

Thuốc lợi tiểu: Được sử dụng để điều trị những trường hợp chóng mặt gây ra do bệnh Ménière. Chúng có tác dụng giúp thoát dịch bị phù ứ đọng ở phần tai trong nên có thể làm giảm triệu chứng. Các thuốc thường được sử dụng là furosemid, hydrochlorothiazid... Khi dùng nhóm thuốc này, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ hạ huyết áp thế đứng, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử trí thích hợp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Do có nhiều nguyên nhân gây chóng mặt nên khi có triệu chứng này, người bệnh cần đi khám để xác định bệnh và có chỉ định điều trị phù hợp. Không được tự ý dùng thuốc hay dùng theo sự mách bảo của người khác. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý; không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá...; thường xuyên tập thể dục để nâng cao thể trạng sức khỏe.


BS. Nguyễn Trâm Anh
Ý kiến của bạn