Chóng mặt ở nhân viên văn phòng rất phổ biến, bên cạnh bệnh lý dạ dày, cơ xương khớp, mắt. Chóng mặt được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách các bệnh văn phòng, hay hội chứng bệnh văn phòng (sick building syndrome - SBS).
Bệnh văn phòng hay hội chứng bệnh văn phòng, là thuật ngữ chỉ về các loại bệnh tật khác nhau, có nguyên nhân từ những điều kiện và môi trường làm việc ở văn phòng, cao ốc và những công việc liên quan đến lao động đặc thù tại văn phòng.
Nhân viên văn phòng - công việc tưởng chừng như “nắng không đến đầu, mưa không đến mặt” nhưng có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh minh họa)
Đối tượng đặc thù của loại bệnh này chính là những nhân viên văn phòng thường xuyên tiếp xúc và làm việc với máy vi tính, giấy tờ, hồ sơ... với hoạt động lao động trí óc, có nhiều mối quan hệ công tác đa dạng, phức tạp, cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn, tình trạng va chạm, căng thẳng trong công tác nhiều, công việc thường không có giờ giấc cố định như thường xuyên tiệc tùng, liên hoan, đi công tác...
Tất cả các nguyên nhân trên đã dần sinh ra những rối loạn về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho nhân viên văn phòng, bao gồm trạng thái mệt mỏi, dễ béo phì, bệnh lý dạ dày, cột sống, khớp, mắt, suy tĩnh mạch... Trong đó, chóng mặt là một trong số bệnh thường gặp hàng đầu của dân văn phòng, mà nữ hay gặp hơn nam.
Chóng mặt thật sự hay hoa mắt, choáng váng?
Cơn chóng mặt ở nhân viên văn phòng thường xuất hiện khi thay đổi tư thế đột ngột, đặc biệt là khi đang chăm chú làm việc với máy tính nhiều giờ thì đột ngột đứng dậy, xoay đầu; hoặc đột ngột cúi đầu xuống thấp nhặt đồ. Nhưng mà, triệu chứng chóng mặt với cảm giác choáng váng, xây xẩm, cũng hay gặp trong các tình huống kể trên, dễ bị đánh đồng với nhau vì chúng đều là cảm giác chủ quan của mỗi người, và một số người còn mơ hồ về tình trạng này.
Cho nên, trước tiên, chúng ta cần phân biệt rõ chóng mặt thật sự với choáng váng, xây xẩm; vì mỗi triệu chứng có thể do những nguyên nhân khác nhau gây nên, cách điều trị cũng có phần khác nhau.
Chóng mặt thật sự là cảm giác cơ thể mình bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn, hoặc chính bản thân mình xoay tròn so với những vật xung quanh. Trong những trường hợp rõ ràng, cảm giác bị dịch chuyển rất rõ, có thể xảy ra trên mặt phẳng đứng dọc hoặc mặt phẳng đứng ngang. Chóng mặt thật sự là triệu chứng của tổn thương tiền đình (trung ương hoặc ngoại biên). Nguyên nhân hay gặp nhất gây chóng mặt ở nhân viên văn phòng là cơn chóng mặt tư thế lành tính.
Bạn cần nhận định rõ tình trạng chóng mặt thực sự hay chỉ là choáng váng tức thời (Ảnh minh họa)
Triệu chứng choáng váng tức là khi mình chỉ có cảm giác lâng lâng, xây xẩm, tối mắt, chao đảo, đứng không vững hoặc cảm giác nhẹ đầu, trống rỗng nhưng không thấy ảo giác chuyển động nào, tức không thấy người hoặc vật xung quanh di chuyển, xoay tròn hoặc nghiêng ngả.
Cảm giác choáng váng, cảm giác hoa mắt thường tương ứng trong tình huống trên của dân văn phòng thường là do tụt huyết áp tư thế. Vì khi mình đột ngột đứng lên sau một thời gian ngồi lâu, lực hấp dẫn kéo máu về phía bàn chân khiến huyết áp bị hạ tạm thời. Để bù đắp cho lượng máu đó, cơ thể sẽ phải tăng nhịp tim và các mạch máu thắt chặt. Tuy nhiên nếu cơ thể ít vận động, quá trình này sẽ trợ nên chậm hơn và khiến bạn bị choáng váng trong chốc lát hoặc lâu hơn.
Nhìn chung, triệu chứng chóng mặt thường sẽ kéo dài hơn so với cảm giác choáng váng, mức độ gây sợ hãi cao hơn, với các biểu hiện hay đi kèm là buồn nôn, nôn, da tái xanh, vã mồ hôi. Với cảm giác choáng váng, việc dìu đồng nghiệp ngồi lại xuống ghế để nghỉ thường có hiệu quả giúp họ phục hồi huyết áp, hết choáng váng xây xẩm. Trong khi với đồng nghiệp bị chóng mặt, việc tiếp tục thay đổi nhanh tư thế để tìm chỗ cho họ ngồi xuống, nằm xuống, có thể làm cơn chóng mặt nặng nề hơn do xoay đầu liên tục.
Xử lý cơn chóng mặt ở nhân viên văn phòng
Các phương pháp xử lý nhanh khi cơn chóng mặt lành tính xuất hiện đó là:
- Trấn an người bệnh, khuyên họ không nên thay đổi tư thế đột ngột. Cần bình tĩnh, nhắm mắt, hạn chế xoay đầu và tìm tư thế thích hợp để nghỉ ngơi. Bạn có thể tưởng tượng rằng trong đầu người bệnh đang có 1 ly nước đầy, khi đổi tư thế không được làm “sóng sánh đổ nước ra ngoài" vì sẽ gây chóng mặt. Như thế chúng ta khuyên họ nên thay đổi tư thế từ từ, khi di chuyển cố gắng giữ nguyên tư thế trong một ít phút, rồi mới từ từ thay đổi tư thế, cố gắng giữ đầu nhìn thẳng phía trước, không cúi xuống hay xoay đầu qua lại.
- Cố gắng nằm nghỉ ngơi trên giường, tránh ánh sáng chói nhưng đảm bảo thoáng khí. Tránh lo lắng, căng thẳng tinh thần, hạn chế suy nghĩ.
- Nếu có cảm giác buồn nôn, nên kìm nén bằng cách hít thở sâu và tập trung vào nhịp thở. Nếu ói nhiều, người bệnh nên nằm nghiêng 1 bên, tất nhiên là ở bên không gây chóng mặt.
Thuốc ức chế hoạt động tiền đình, thuốc chống nôn, không gây buồn nôn sẽ phù hợp với nhân viên văn phòng khi bị chóng mặt (Ảnh minh họa)
- Một số loại thuốc đơn giản có thể tạm thời cầm cự cơn chóng mặt (nếu người bệnh còn uống thuốc được): thuốc ức chế hoạt động tiền đình, thuốc chống nôn, thuốc thúc đẩy quá trình thăng bằng. Với những người đang trong quá trình làm việc thì ưu tiên lựa chọn các nhóm thuốc cắt cơn nhanh nhưng không gây buồn ngủ. Hiện nay, hầu hết các văn phòng đều có tủ thuốc công ty do bộ phận hành chính nhân sự quản lý. Người làm văn phòng có thể đề nghị bộ phận này chuẩn bị, lưu trữ những loại thuốc cần thiết, thường sử dụng của giới văn phòng để tránh bị động.
Tuy nhiên, những trường hợp chóng mặt nặng không thể đi lại được, nôn ói nhiều hay có dấu hiệu nguy hiểm (đau đầu dữ dội, tê yếu tay chân, nói đớ, nhìn đôi, mờ mắt hoặc có cơn ngất kèm theo) thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp.
Phòng ngừa chóng mặt ở nhân viên văn phòng như thế nào?
- Người làm việc trong môi trường văn phòng nên thường xuyên vận động nhẹ đặc biệt là ở cổ sau mỗi 45 phút làm việc, luyện tập các bài tập về mắt để tránh mỏi mắt, uống đủ nước, ăn các bữa ăn đủ dinh dưỡng.
- Tránh thay đổi tư thế đầu đột ngột.