Chóng mặt ở người cao tuổi rất phổ biến
Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến trong đời sống thường ngày và trong y học lâm sàng. Chóng mặt có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở người cao tuổi chiếm tỉ lệ cao hơn và nguy hiểm hơn.
Một cuộc điều tra trên 30.000 người ở châu Âu ghi nhận tần suất của chóng mặt tính theo tuổi là từ 17% lên tới 39% ở người trên 80 tuổi, và 80% các người bệnh đã phải đi khám bệnh vì chóng mặt. Đó là nghiên cứu tại châu Âu, còn các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam, Hàn Quốc, tỉ lệ người cao tuổi bị chóng mặt còn cao hơn nữa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2030, người có độ tuổi trên 60 chiếm 30% dân số thế giới. Vì thế, sau này chúng ta, cả bạn và tôi, sẽ gặp ngày càng nhiều người tâm sự với mình rằng, họ bị chóng mặt. Chóng mặt ở người cao tuổi còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm hơn so với người trẻ.
Các nguyên nhân sinh lý gây chóng mặt ở người cao tuổi
Chóng mặt ở người cao tuổi thường do nhiều nguyên nhân phối hợp.
Thứ nhất, về nguyên nhân sinh lý, chóng mặt ở người cao tuổi thường gặp do sự suy giảm chức năng của cơ quan thăng bằng. Ở người lớn tuổi, cả ba cơ quan tham gia điều khiển chức năng thăng bằng đều bị suy thoái, bao gồm sự thoái hóa của cơ quan thăng bằng trong tai trong (các ống bán khuyên, soan nang, cầu nang), mắt cũng bị lão thị, khả năng nhìn kém, khả năng nghe kém, trương lực cơ giảm và sự phối hợp vận động của các cơ quan giảm sút do sự teo các cấu trúc tại thùy não.
Bên cạnh đó, người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền đi kèm, như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh suy thận, bệnh xơ vữa động mạch, bệnh rối loạn giấc ngủ... và việc dùng thuốc điều trị các bệnh lý này có thể dẫn tới chóng mặt.
Người lớn tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính, uống nhiều thuốc cũng là nguyên nhân đưa đến cơn chóng mặt (Ảnh minh họa)
Thứ hai, về nguyên nhân bệnh lý, cũng vì người cao tuổi thường có nhiều bệnh mạn tính, trong đó hàng đầu là bệnh lý về tim mạch, xơ vữa động mạch, cho nên, triệu chứng chóng mặt ở người cao tuổi có thể do những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm như bệnh lý mạch máu não.
Trong thực hành lâm sàng hàng ngày, khi tiếp cận chóng mặt ở người cao tuổi, y bác sĩ cũng phân thành hai nhóm chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương. Theo thống kê các nguyên nhân gây chóng mặt ở người cao tuổi đến khám bệnh viện, thì các nguyên nhân thường gặp gây tổn thương tiền đình ngoại biên là xơ hóa tai trong, chóng mặt tư thế kịch phát, thiểu năng tuần hoàn động mạch tai trong. Còn các nguyên nhân tổn thương tiền đình trung ương ở người cao tuổi thường gặp là bệnh lý mạch máu não và u não.
Triệu chứng chóng mặt ở người cao tuổi rất mơ hồ
Với một người bình thường khi bị chóng mặt cần phân biệt người đó bị chóng mặt thật sự hay choáng váng, xây xẩm mỗi triệu chứng có thể do những nguyên nhân khác nhau.
Chóng mặt thật sự khi người đó nhận thấy xung quanh xoay tròn hoặc ảo giác đồ vật xung quanh di chuyển theo chiều dọc, ngang, hoặc nghiêng ngả.
Còn triệu chứng choáng váng tức là khi người đó chỉ có cảm giác lâng lâng, xây xẩm, tối mắt, chao đảo, đứng không vững hoặc cảm giác nhẹ đầu, trống rỗng nhưng không thấy ảo giác chuyển động nào, tức không thấy người hoặc vật xung quanh di chuyển, xoay tròn hoặc nghiêng ngả.
Tuy nhiên, ở người cao tuổi, phân biệt hai triệu chứng này không dễ. Thứ nhất là khả năng diễn tả, biểu đạt của người cao tuổi thường kém chính xác. Thứ hai, ngay cả trong bệnh chóng mặt tư thế lành tính thì cơn chóng mặt ở người cao tuổi thường là biến thể, không rõ ràng đặc hiệu nữa. Nó có thể chỉ xuất hiện vài giây khi đột ngột xoay đầu, xảy ra trong thời gian ngắn hoặc thường gặp là cảm giác chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng khó phân biệt với cảm giác sợ té, cảm giác hoa mắt. Những cơn chóng mặt kịch phát như vậy có thể đến rồi đi xảy ra nhiều năm ở người cao tuổi mà không cần điều trị gì cả.
Dấu hiệu gợi ý những nguyên nhân có thể nguy hiểm ẩn bên dưới triệu chứng chóng mặt ở người cao tuổi
Nếu chóng mặt ở người lớn tuổi tái phát thường xuyên và kéo dài thì cần đến gặp bác sĩ (Ảnh minh họa)
Những dấu hiệu gợi ý những nguyên nhân có thể nguy hiểm bao gồm:
- Chóng mặt nặng không thể đi lại
- Chóng mặt kèm nôn ói dữ dội, nôn ra mật xanh mật vàng không cầm được, không uống thuốc được
- Chóng mặt tái phát thường xuyên và chóng mặt kéo dài (trên 4 tuần)
- Chóng mặt kèm dấu hiệu thần kinh: Nhìn mờ /nhìn đôi; Nói đớ; Yếu và tê tay chân; Mất định hướng không gian và thời gian
- Chóng mặt kèm cơn ngất kèm theo
- Chóng mặt kèm biểu hiện của tai: Giảm thính lực; Đau tai
- Đau đầu mới xuất hiện hoặc dữ dội
- Sốt
- Đau ngực hoặc tim đập nhanh/chậm bất thường và kéo dài
Vậy khi có những dấu hiệu chóng mặt kèm những triệu chứng trên ở người cao tuổi, chúng ta cần đưa người đó đến khám sớm để được chẩn đoán loại trừ những nguyên nhân có thể nguy hiểm.
Hậu quả của chóng mặt ở người cao tuổi nặng nề hơn
Chóng mặt mang đến cảm giác khó chịu ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, hậu quả của chóng mặt thường nặng nề hơn đối ở người cao tuổi.
Người cao tuổi thường có tình trạng thiếu xương, loãng xương trước đó, cho nên nếu té ngã khi cơn chóng mặt xảy ra sẽ dễ bị chấn thương xương khớp hơn, đáng ngại nhất là gãy xương vì thời gian lành xương kéo dài.
Chóng mặt thường xuyên sẽ dẫn đến tâm lý sợ hãi của người cao tuổi khi di chuyển, từ đó làm giảm đáng kể khả năng của họ để làm các hoạt động hàng ngày.
Việc vận động phụ thuộc người khác, cảm giác lo lắng vì bệnh, mệt mỏi vì bệnh, sợ bệnh này kéo theo bệnh khác làm cho người cao tuổi dễ rơi vào trầm cảm.
Điều trị và phòng ngừa chóng mặt ở người cao tuổi
Người bệnh cần được khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để xác định nguyên nhân cụ thể, điều này giúp ích nhiều cho việc điều trị và mang lại cảm giác an toàn cho bản thân. Bác sĩ thường sẽ sử dụng phối hợp với các thuốc hỗ trợ như tăng cường sử dụng oxy cho các tế bào não, thuốc duy trì thăng bằng, thuốc tăng cường trương lực cơ… để điều trị chóng mặt cho người bệnh.
Người bệnh cũng cần tái khám định kỳ ở các chuyên khoa đang theo dõi bệnh lý mạn tính của mình, để ổn định huyết áp, đường huyết, mỡ máu...
Việc sử dụng đúng kính theo tình trạng của mắt, tập thể dục tăng cường trương lực cơ cũng sẽ hỗ trợ cải thiện chức năng thăng bằng và giúp cho người cao tuổi có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để ngăn chặn cơn chóng mặt (Ảnh minh họa)
Về chế độ sinh hoạt ăn uống, người cao tuổi và người chăm sóc người cao tuổi cần chú ý:
- Ăn uống đầy đủ chất, hạn chế các loại thức ăn đồ uống quá ngọt, quá mặn, nhiều dầu mỡ. Tăng cường thịt từ cá, rau xanh, hoa quả, các loại thực phẩm giàu Leucin.
- Uống đủ nước mỗi ngày, không bia rượu, hạn chế cafe và nước ngọt có gas.
- Đảm bảo ngủ đủ giấc, nếu có rối loạn giấc ngủ, cần khám chuyên khoa thần kinh để được hỗ trợ điều trị.
- Giữ suy nghĩ lạc quan, vui khỏe.
- Giữ không gian trong phòng, lối đi thông thoáng, tránh để vật dụng lộn xộn, bừa bãi.
- Gắn thêm thanh cầm dọc theo cầu thang, trong bồn tắm và nhà vệ sinh để người bệnh có thể men theo khi đột ngột bị chóng mặt.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột. Khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện từ tốn, chậm rãi, có thể nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra.