Hà Nội

Chóng mặt liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt

26-05-2021 09:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Bên cạnh những cảm giác khó chịu, thậm chí đau bụng, đau lưng, đau ngực khi đến ngày “rụng dâu”, các chị em còn phải chịu đựng những cơn chóng mặt “vô cớ”. Điều này khiến sự mệt mỏi vì chịu đựng càng gia tăng theo cấp số nhân. Liệu đây có phải là triệu chứng bất thường?

Cảm giác chóng mặt xuất hiện quanh những ngày đèn đỏ là một hiện tượng khá phổ biến ở nữ giới, thường gặp ở người dưới 20 tuổi và từ 40 tuổi trở lên.

Chóng mặt liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt mặc dù có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố nữ, nhưng không chỉ dừng ở đó, nó còn có sự phối hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau đi kèm, tạo nên sự khác biệt về kiểu chóng mặt giữa hai nhóm tuổi (các cô gái trẻ và những người phụ nữ trung niên).

Chóng mặt có thể là triệu chứng lành tính, nhưng cũng có thể là dấu hiệu báo động của bệnh lý nguy hiểm cần can thiệp sớm.

Chóng mặt là gì?

"Chóng mặt thật sự" là cảm giác cơ thể mình bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn, hoặc chính bản thân mình xoay tròn so với những vật xung quanh. Trong những trường hợp rõ ràng, cảm giác bị dịch chuyển rất rõ, có thể xảy ra trên mặt phẳng đứng dọc hoặc mặt phẳng đứng ngang.

Các dấu hiệu đi kèm với chóng mặt thật sự thường hằng định, đó là cảm giác mất thăng bằng, rối loạn dáng đi, buồn nôn, nôn và thường đi kèm các rối loạn vận mạch như da tái xanh, vã mồ hôi. Chóng mặt thật sự là triệu chứng của tổn thương tiền đình (trung ương hoặc ngoại biên).

image001 (5)

Chóng mặt trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ khiến các chị em mệt mỏi, khó chịu hơn gấp bội (Ảnh minh họa)

Đại đa số chúng ta lại có cảm giác chóng mặt hay triệu chứng giống với chóng mặt, và sử dụng chung một danh từ là "chóng mặt", thường gặp là các dạng sau:

Cảm giác chóng mặt: Là cảm giác bị dịch chuyển trong không gian, tuy không rõ nét như chóng mặt thật sự nhưng nếu nó xảy ra chỉ khi quay đầu hoặc nặng lên rõ rệt khi quay đầu thì tổn thương thường cũng có nguồn gốc từ tiền đình.

Cảm giác mất thăng bằng: Cảm giác này không kèm theo bất kỳ cảm giác khác lạ nào trong đầu. Nó có thể có nguồn gốc từ tiền đình, nhưng cũng có thể có nguồn gốc từ tiểu não, từ cảm giác sâu (cảm giác bản thể), từ hệ thị giác.

Cảm giác choáng váng, cảm giác hoa mắt thường tương ứng với tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, bệnh lý tim mạch.

Vì sao cơn chóng mặt thường tìm đến chị em khi đến kỳ kinh nguyệt?

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là những biểu hiện khó chịu gặp ở phụ nữ trước mỗi kỳ kinh nguyệt (trung bình là 7 ngày), bao gồm chóng mặt, suyễn, đau nửa đầu, nổi mề đay, nổi mụn, đau lưng, bón, tiêu chảy, nhiệt miệng.

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt xuất hiện do sự biến đổi hàm lượng hormone trong cơ thể vào những ngày này. Trong số những phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chỉ có chưa đến 10% là không bị ảnh hưởng của chu kỳ hoạt động của các tuyến nội tiết.

Hơn 50% cảm thấy có những thay đổi nhỏ về tính khí hoặc những cảm giác khó chịu cho cơ thể, vài ngày trước khi thấy kinh. Nhưng khoảng 25% phụ nữ bị những rối loạn tiền kinh nguyệt rõ rệt, từ căng đau ở ngực, nhức đầu, chóng mặt, khó thở, nổi mụn, đau bụng kinh, buồn nôn, ói mửa cho đến những bực bội thay đổi tính tình…

Chóng mặt do hội chứng tiền kinh nguyệt thường gặp ở các bé gái mới bước vào tuổi dậy thì với căng thẳng tâm lý về chuyện hành kinh, nội tiết tố chưa ổn định.

Ngược lại, chóng mặt do hội chứng tiền kinh nguyệt cũng hay xảy ra ở nhóm phụ nữ sau 30 tuổi đã có gia đình, nhưng chủ yếu là do căng thẳng tâm lý về áp lực công việc, áp lực tiền bạc, áp lực việc nhà, cũng với những lo lắng - phiền muộn về chồng con, lo lắng về chuyện trễ kinh vì cấn thai hay không hoặc những vấn đề tâm lý sâu xa hơn bắt nguồn từ nhận thức đối với kinh nguyệt và “thân phận đàn bà” cũng có thể là những yếu tố bồi thêm.

Chóng mặt do hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ giảm dần khi "ra kinh".

image002 (5)

Chóng mặt do hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra ở nhóm phụ nữ sau 30 tuổi đã có gia đình, chủ yếu là do căng thẳng tâm lý, áp lực cuộc sống (Ảnh minh họa)

Thiếu máu thiếu sắt

Bình thường lượng máu mất sau mỗi chu kỳ kinh vào khoảng 50-80ml. Nhưng mà lượng máu thực tế trong kinh nguyệt chiếm khoảng 36%, còn lại 64% là các thành phần khác như niêm mạc tử cung, chất nhầy cổ tử cung, âm đạo.

Do đó, với một chu kỳ kinh bình thường thì sẽ không gây ra thiếu máu được, do cơ thể sẽ tạo ra lượng máu bù vào lượng mất đi. Chỉ trừ khi lượng máu mất đi nhiều hoặc kéo dài làm cơ thể không tạo máu kịp, như trong trường hợp rong kinh, cường kinh thì mới gây ra thiếu máu mạn.

Ngoài ra, nguyên nhân gây thiếu máu ở phụ nữ còn gặp trong thiếu sắt (ăn uống không đủ chất, đặc biệt là chế độ ăn kiêng, nghiện uống trà làm giảm hấp thu sắt...), do bệnh lý viêm mạn tính cũng gây thiếu hụt sắt, do bệnh máu di truyền (như Thalassemia)...

Khi có thiếu máu mạn, người phụ nữ thường có triệu chứng chóng mặt xuất hiện khi hành kinh, và kéo dài sau hành kinh. Triệu chứng chóng mặt thường đi kèm với nhịp tim nhanh, nhịp thở tăng, da vẻ xanh xao, hoa mắt khi thay đổi tư thế, giảm tập trung, giảm trí nhớ, giảm khả năng gắng sức.

Huyết áp thấp

Huyết áp có thể giảm thấp khi nồng độ estrogen tăng cao vào tuần cuối trước khi có kinh, điều này có thể khởi kích cơn chóng mặt do thiểu năng tuần hoàn não cung cấp máu cho tai trong.

Hiện tượng này thường chỉ xảy ra ở người có huyết áp nền thấp tầm 85-90/55-60 mmHg.

Lượng đường trong máu thấp

Không chỉ ảnh hưởng đến mức huyết áp, estrogen còn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Gần đến ngày hành kinh, cơ thể sẽ tăng tiêu thụ đường, nên người nữ thường có cảm giác thèm ăn trong những ngày này. Nếu bạn không lắng nghe cơ thể mình (do quá bận rộn với công việc), hay cố tình kiềm chế cảm giác thèm ăn do đang trong chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, lượng đường huyết trong máu sẽ có xu hướng thấp trong những ngày này. Và lượng đường huyết thấp có thể khởi kích lên cơn chóng mặt.

Migraine

Migraine là bệnh đau nửa đầu. Thay đổi nội tiết tố trong những ngày hành kinh có thể khởi kích cơn đau nửa đầu.

Mặc dù tên bệnh là "đau nửa đầu", nhưng có đến 30-50% người bị đau đầu migraine có thêm triệu chứng hoa mắt hay chóng mặt liên quan đến migraine. Mối liên hệ giữa Migraine và chóng mặt được thể hiện qua thuật ngữ "Migraine tiền đình". Đây là một bệnh lý đau đầu có thể kèm chóng mặt hoặc các triệu chứng thần kinh khác, có thể liên quan đến kinh nguyệt, do rối loạn vận mạch - thần kinh và hầu như lành tính.

Nếu bạn bị chóng mặt đi trước triệu chứng đau đầu hoặc cùng với cơn đau đầu, buồn nôn, cơn kéo dài khoảng vài tiếng đến 2-3 ngày, liên quan đến kinh nguyệt thì nhiều khả năng bạn bị Migraine tiền đình.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ, bao gồm chóng mặt. Theo một số nghiên cứu, có khoảng 20-30% người bị chóng mặt do chịu tác dụng phụ của thuốc.

Các loại thuốc gây chóng mặt bao gồm kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm… Nếu dùng các loại thuốc này trong những ngày có kinh nguyệt, bạn có thể dễ bị chóng mặt hơn.

Chóng mặt do bệnh lý khác

Một số tình trạng sức khỏe khác không do kinh nguyệt gây ra nhưng lại có thể khiến bạn bị chóng mặt, như: Chóng mặt lành tính do tư thế (BPPV), các bệnh nhiễm trùng (viêm mê đạo tai), cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua...

Do đó, bạn cần chú ý đến những kiểu chóng mặt nguy hiểm vì hướng đến nguyên nhân bệnh lý từ tiền đình trung ương, dây thần kinh số 8, tai biến mạch máu não... Chúng thường đi kèm với các triệu chứng sau:

- Chóng mặt nặng không thể đi lại

- Chóng mặt kèm nôn ói dữ dội, nôn ra mật xanh mật vàng không cầm được, không uống thuốc được

- Chóng mặt tái phát thường xuyên và chóng mặt kéo dài (trên 4 tuần)

- Chóng mặt kèm dấu hiệu thần kinh: Nhìn mờ /nhìn đôi; Nói đớ; Yếu và tê tay chân; Mất định hướng không gian và thời gian

- Chóng mặt kèm cơn ngất kèm theo

- Chóng mặt kèm biểu hiện của tai: Giảm thính lực; Đau tai

- Đau đầu mới xuất hiện hoặc dữ dội

- Sốt

- Tiền sử chấn thương đầu, chấn thương vùng tai với lực mạnh

- Đau ngực hoặc tim đập nhanh/chậm bất thường và kéo dài

Khi có các triệu chứng nguy hiểm, bạn cần thiết đến các cơ sở y tế với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời.

image003 (4)

Nếu chóng mặt kèm theo nôn ói dữ dội hãy đến bệnh viện khám ngay (Ảnh minh họa)

Điều trị chóng mặt trong chu kỳ kinh nguyệt như thế nào?

Nếu hoa mắt, đau đầu chóng mặt trong kỳ kinh nguyệt xảy ra do thay đổi nội tiết tố, bạn có thể giảm bớt các triệu chứng này bằng những biện pháp đơn giản sau:

- Uống nhiều nước

- Ngủ đủ giấc

- Tập thể dục thường xuyên

Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng

- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá

- Giảm tốc độ làm việc lại vào những ngày gần có kinh và trong khi hành kinh

- Tránh thay đổi tư thế đầu đột ngột

Một số thuốc đơn giản có thể xử lý cơn chóng mặt mà chúng ta có thể lưu trữ sẵn tại nhà, công sở: thuốc ức chế hoạt động tiền đình, thuốc chống nôn, thuốc thúc đẩy quá trình thăng bằng. Nếu bạn có điều kiện nghỉ ngơi thì nên lựa chọn các nhóm thuốc có tính chất an thần; ngược lại, nếu bạn cần duy trì tốc độ làm việc thì ưu tiên các nhóm thuốc không gây buồn ngủ. Thời gian sử dụng thuốc trung bình là 3-7 ngày.

image004

Một số thuốc đơn giản có thể xử lý cơn chóng mặt mà các chị em có thể lưu trữ sẵn tại nhà, công sở (Ảnh minh họa)

Nếu nghi ngờ mình có thiếu máu thiếu sắt, bạn nên đến bệnh viện xét nghiệm máu kiểm tra. Tùy mức độ thiếu máu, nguyên nhân thiếu máu mà bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị dùng thuốc phù hợp. Bạn đừng tự ý bổ sung thuốc bổ máu khi chưa biết rõ mình có thật sự thiếu máu hay không, và thiếu máu có phải do thiếu sắt hay không. Đây là sai lầm phổ biến của các bạn nữ bị chóng mặt khi hành kinh, vì tự chẩn đoán là mình chóng mặt do thiếu máu thiếu sắt.

Nếu nghi ngờ mình bị đau nửa đầu, chóng mặt kéo dài sau hành kinh không cải thiện với các biện pháp nghỉ ngơi - dùng thuốc ổn định tiền đình thông thường, hoặc có các dấu hiệu nguy hiểm, bạn cần khám chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán xác định và loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng chóng mặt của bạn.

ảnh bõ


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Ý kiến của bạn