Khi bị chóng mặt phần lớn người bệnh thường tìm đến các chuyên khoa Tai - mũi - họng hoặc Thần kinh. Tuy nhiên triệu chứng chóng mặt có thể xuất phát từ các bệnh tiêu hóa, tim - mạch, nội tiết, thận - tiết niệu hay hô hấp. Nhiều trường hợp xảy ra sau chấn thương sọ não, mắt, răng - hàm - mặt; một số do thoái hóa cột sống cổ. Đặc biệt chóng mặt có thể gặp ở đối tượng bị rối loạn cảm xúc. Ngoài ra một số thuốc có khi gây tác dụng không mong muốn là chóng mặt không đặc hiệu.
Điều đó cho thấy, chóng mặt không chỉ là rối loạn tiền đình, không phải là một thực thể bệnh lý duy nhất gặp trong một chuyên ngành riêng biệt, mà chóng mặt là một tập hợp các hội chứng đa giác quan và vận động - cảm giác do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, đôi khi chóng mặt có thể tự xử lý tại nhà, nhưng đôi khi, chóng mặt chỉ là phần nổi của một tảng băng lớn nguy hiểm.
Vậy thì khi nào chúng ta cần phải cẩn trọng với chóng mặt?
Tập hợp lại các hình thái chóng mặt mà bác sĩ thường gặp trên lâm sàng, khi tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện bao gồm:
- Cơn chóng mặt đơn độc hoặc tái phát.
- Chóng mặt tồn tại kéo dài.
- Chóng mặt theo tư thế.
- Chóng mặt kèm dao động mắt.
- Chóng mặt kèm rối loạn thính giác.
- Chóng mặt kèm các triệu chứng thân não và tiểu não.
- Chóng mặt kèm theo nhức đầu.
- Choáng váng hoặc chóng mặt tái diễn với mất thăng bằng tư thế.
- Chóng mặt tư thế ám ảnh.
Chóng mặt kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như ngất xỉu thì cần đi khám (Ảnh minh họa)
Theo đó, mọi người cần chú ý đến những kiểu chóng mặt nguy hiểm vì hướng đến nguyên nhân bệnh lý từ tiền đình trung ương, dây thần kinh số 8, tai biến mạch máu não... Chúng thường đi kèm với các triệu chứng sau:
- Chóng mặt nặng không thể đi lại
- Chóng mặt kèm nôn ói dữ dội, nôn ra mật xanh mật vàng không cầm được, không uống thuốc được
- Chóng mặt tái phát thường xuyên và chóng mặt kéo dài (trên 4 tuần)
- Chóng mặt kèm dấu hiệu thần kinh: Nhìn mờ /nhìn đôi; Nói đớ; Yếu và tê tay chân; Mất định hướng không gian và thời gian...
- Chóng mặt kèm cơn ngất kèm theo
- Chóng mặt kèm biểu hiện của tai: Giảm thính lực; Đau tai
- Đau đầu mới xuất hiện hoặc dữ dội
- Sốt
- Tiền sử chấn thương đầu, chấn thương vùng tai với lực mạnh
- Đau ngực hoặc tim đập nhanh/chậm bất thường và kéo dài
Khi có các triệu chứng nguy hiểm, bạn cần thiết đến các cơ sở y tế với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời.
Còn các triệu chứng khác có thể đi kèm với chóng mặt như cảm thấy buồn nôn; nôn; đau đầu nhẹ, đổ mồ hôi; ù tai, hoặc nghe kém kéo dài từ vài phút đến vài giờ đồng hồ rồi tự hết thì không đáng ngại.
Những ai thường bị chóng mặt?
Nhân viên văn phòng, lao động trí óc, chịu áp lực công việc lớn nên thường dễ bị chóng mặt (Ảnh minh họa)
Chóng mặt có thể xảy ra đối với mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng những đối tượng sau là những người dễ bị chóng mặt:
- Người chịu áp lực công việc lớn, phải ngồi lâu trước máy vi tính như nhân viên văn phòng, người lao động trí óc, học sinh, sinh viên…
- Người bị thiếu máu: Thiểu năng tuần hoàn não, phụ nữ sau sinh, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, thiếu máu sau chấn thương…
- Người có nồng độ cholesterol trong máu cao như người bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch
- Người bị mắc các bệnh về thần kinh: Viêm dây thần kinh, u dây thần kinh, viêm tai giữa, mắt, tâm thần…
- Người bị huyết áp thấp, huyết áp cao
- Người bị đái tháo đường
- Người sử dụng nhiều bia, rượu; nhiễm độc thuốc hoặc hóa chất
- Người hút thuốc lá
- Người bị tổn thương hệ xương: viêm khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm…
- Người già, các cơ quan bị suy yếu, lão hóa
- Nữ giới
- Giai đoạn tiền mãn kinh
Những ai hay bị chóng mặt, cần chú ý đến những dấu hiệu nguy hiểm của một cơn chóng mặt "không lành tính" và bình tĩnh hơn đối với những cơn chóng mặt "lành tính".