Hà Nội

Chóng mặt có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm

20-09-2022 14:15 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng, người bệnh cảm thấy chính mình hoặc môi trường xung quanh mình quay cuồng, kèm theo hoa mắt khó giữ được thăng bằng và có thể ngã chấn thương… Chóng mặt có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

1. Chóng mặt là gì?

Chóng mặt là một triệu chứng thể hiện cảm giác quay cuồng, lảo đảo làm cho người bệnh không thể giữ thăng bằng và dễ bị té ngã.

Mặc dù, chóng mặt là một triệu chứng nhưng cơ chế hình thành triệu chứng chóng mặt rất phức tạp, thường do rối loạn trong cảm nhận phương hướng, thăng bằng của cơ quan thần kinh và tiền đình ốc tai. Vì vậy, chóng mặt là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau, có thể là bệnh đơn giản nhưng có thể là trọng bệnh, do vậy khi thấy chóng mặt không nên chủ quan, xem thường.

2.Nguyên nhân của chóng mặt

Chóng mặt có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm - Ảnh 2.

Chóng mặt có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm

Có nhiều nguyên nhân gây chóng mặt:

-Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Loại này thường do các hạt "sỏi tai" (Sỏi tai là các tinh thể di chuyển từ xoang nang, thường rơi vào ống bán khuyên sau. Sự dịch chuyển sỏi tai kích thích dây thần kinh tiền đình gửi tín hiệu sai đến não tạo ra cảm giác chóng mặt.) bị bong ra và di chuyển tự do trong các ống bán khuyên của tai trong, thường có liên quan với chấn thương đầu. Chóng mặt lành tính cũng có thể xảy ra mà không rõ lý do và có thể liên quan đến lão hóa thần kinh do tuổi cao.

-Chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình. Đây là một bệnh lý của tai trong và thường liên quan đến viêm do nhiễm trùng (chủ yếu là nhiễm virus). Tình trạng viêm nhiễm ở tai trong là nơi chứa mê đạo tai và phần đầu của dây thần kinh tiền đình ốc tai, dẫn đến tổn thương các bộ phận này từ đó gây ra chóng mặt, mất thăng bằng.

-Do mắc hội chứng Méniere (bệnh ứ nước nội dịch vô căn). Hội chứng này xảy ra rối loạn ở tai trong gây chóng mặt là do sự tích tụ nội dịch và thay đổi áp lực trong tai. Hội chứng Méniere có thể gây ra các cơn chóng mặt cùng với ù tai và giảm thính lực.

-Do bị rối loạn tiền đình. Bởi tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động... Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não. Điều này khiến cho tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể bị loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt.

-Do bị đột quỵ hoặc do chấn thương vùng đầu, cổ, khối u

-Do bệnh đau đầu Migrain

-Do tác dụng phụ của thuốc. Có khá nhiều loại thuốc khi người bệnh sử dụng có thể xuất hiên tác dụng phụ là chóng mặt như thuốc điều trị tăng huyết áp (ví dụ loại CoAtrovel)…


3.Một số triệu chứng đi kèm chóng mặt

Cơn chóng mặt thường được xuất hiện khi người bệnh đột ngột thay đổi vị trí của đầu khi ngồi dậy, đứng lên hoặc khi nằm thay đổi tư thế... Triệu chứng chóng mặt thường hay gặp như quay cuồng; nghiêng ngả; đung đưa; choáng váng; mất thăng bằng; bị kéo về một hướng.

Và thường xuất hiện một số triệu chứng khác đi kèm chóng mặt như cảm thấy buồn nôn; nôn; chuyển động mắt bất thường hoặc giật nhãn cầu; đau đầu; ra nhiều mồ hôi; ù tai, nghe tiếng ve kêu, gió thổi trong tai hoặc nghe kém…

Các triệu chứng có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ đồng hồ, hoặc thậm chí lâu hơn. Cơn chóng mặt có thể đến và đi bất chợt hoặc có yếu tố khởi phát.


4.Khi bị chóng mặt không nên chủ quan, xem thường

Chóng mặt có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm - Ảnh 4.

Nên đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày

Do chóng mặt có thể bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có loại chóng mặt có thể xuất phát do trọng bệnh, ví dụ do đột quỵ, vì vậy, khi bị chóng mặt cần được xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó tích cực điều trị. Muốn làm tốt điều đó nên chọn khám bệnh ở cơ sở y tế đáng tin cậy. Việc điều trị hoàn toàn do bác sĩ khám chỉ định dùng thuốc và kèm theo các lời khuyên. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh, đặc biệt lưu ý không tự mua thuốc để tự điều trị.

-Ngoài ra, người bệnh cần hết sức cẩn thận khi đi lại nếu cảm thấy mất khả năng thăng bằng, đặc biệt là khi lên xuống cầu thang hoặc khi lái xe, vận hành máy, đi ra đường... Khi triệu chứng chóng mặt chưa được khống chế hết sức chú ý khi ngồi xuống hoặc đứng lên hoặc thay đổi tư thế và đặc biệt không thay đổi đột ngột.

-Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân nên hạn chế đặt những đồ vật dễ gây vấp ngã trong nhà.

-Người bệnh nên ngồi hoặc nằm xuống ngay khi cảm thấy chóng mặt.

-Người bệnh bị chóng mặt, nhất là chóng mặt liên quan đến bệnh tim mạch, huyết áp không uống rượu, bia, cà phê không hút thuốc lá.

-Cần uống đủ lượng nước hàng ngày

-Nên dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, vận động cơ thể (tốt nhất là đi bộ khoảng 60 phút chia làm 3 lần trong ngày, tuy nhiên không đi bộ vào lúc nắng, nóng hoặc mưa, rét) và tránh căng thẳng thần kinh.

-Cần lưu ý, nếu uống một loại thuốc nào đó sau một thời gian ngắn thấy xuất hiện chóng mặt thì cần ngừng ngay thuốc đó và tìm cách báo cho bác sỹ khám bệnh cho mình biết để có hướng xử trí thích hợp.

Xây xẩm chóng mặt do thiếu máu lên não nguy hiểm như thế nào?Xây xẩm chóng mặt do thiếu máu lên não nguy hiểm như thế nào?

Xây xẩm chóng mặt là biểu hiện thường thấy của thiếu máu lên não, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

Con Đường Lây Lan Virus Adeno Và Cách Phòng Ngừa - SKĐS

TS.BS Bùi Khắc Hậu
Ý kiến của bạn