Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến trong đời sống thường ngày và trong y học lâm sàng. Theo thống kê y học mới hiện nay, có đến hơn 90% người từng trải qua cảm giác chóng mặt ít nhất 1 lần trong đời.
Trong 1 tháng, có đến hơn 20% người lớn bị cảm giác chóng mặt một lần, nghĩa là cứ 10 người bạn gặp ngoài đường thì có 2 người sẽ chia sẻ với bạn rằng họ có trải nghiệm cơn chóng mặt gần đây.
Chóng mặt chiếm từ 5 đến 6% số lượt khám bác sĩ. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trở nên phổ biến hơn khi tuổi càng ngày càng tăng. Chóng mặt có thể là tạm thời hoặc mạn tính (khi kéo dài > 1 tháng), phổ biến hơn ở người cao tuổi.
Chóng mặt - vừa quen lại vừa lạ
Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay mà chúng ta hay gọi là kỷ nguyên 4.0, việc tìm hiểu về triệu chứng - nguyên nhân - cách điều trị bệnh không còn xa lạ. Và chỉ với một từ khóa "chóng mặt", ắt hẳn các bạn sẽ tìm thấy ngay hàng loạt các bài viết về triệu chứng này, từ trang thường thức hàng ngày đến các trang y học chính thống thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.
Lý do là vì chóng mặt quá phổ biến trong đời sống hiện nay. Người bị chóng mặt tới khám và điều trị ở mọi cơ sở y tế, từ các phòng khám đa khoa tới các trung tâm chuyên khoa khác nhau, thuộc y học hiện đại cũng như y học cổ truyền.
Cứ trong 10 người thì có 2 người có trải nghiệm cơn chóng mặt gần đây (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, kết quả tìm kiếm về "chóng mặt" thường làm bạn thêm hoa mắt bởi vì bạn sẽ tìm thấy hàng chục nguyên nhân gây ra. Ở các trang thông tin y học chính thống thì chủ yếu đề cập đến các nguyên nhân nghe rất đáng lo (như chóng mặt kịch phát tư thế lành tính, bệnh Meniere, viêm dây thần kinh tiền đình, viêm mê nhĩ...).
Trong khi các trang y học thường thức gia đình thì lại nhắc đến các nguyên nhân nghe quen thuộc hơn (thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình). Lúc này, bạn thấy sao chóng mặt lại "phức tạp" đến vậy. Lý do dẫn đến tình trạng có vẻ "mâu thuẫn" này bắt nguồn từ danh từ "chóng mặt" và định nghĩa chóng mặt.
Chóng mặt là gì?
Chóng mặt là cảm giác chủ quan của mỗi người, cũng có một số người còn mơ hồ về tình trạng này.
"Chóng mặt thật sự" là cảm giác cơ thể mình bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn, hoặc chính bản thân mình xoay tròn so với những vật xung quanh. Trong những trường hợp rõ ràng, cảm giác bị dịch chuyển rất rõ, có thể xảy ra trên mặt phẳng đứng dọc hoặc mặt phẳng đứng ngang.
Các dấu hiệu đi kèm với chóng mặt thật sự thường hằng định, đó là người bệnh thường có cảm giác khó chịu, thường là sợ hãi, mất thăng bằng. Té ngã có thể xảy ra lúc chóng mặt, do người bệnh không thể đứng vững được. Ngoài ra người bệnh có thể có rối loạn dáng đi. Buồn nôn, ói mửa xuất hiện khi làm những cử động nhẹ nhàng và thường đi kèm các rối loạn vận mạch như da tái xanh, vã mồ hôi, giảm nhịp tim.
Cơn chóng mặt được ví như những “cơn say bất chợt” (Ảnh minh họa)
Chóng mặt thật sự là triệu chứng của tổn thương tiền đình (trung ương hoặc ngoại biên).
Đại đa số chúng ta lại có cảm giác chóng mặt hay triệu chứng giống với chóng mặt, và sử dụng chung một danh từ là "chóng mặt", thường gặp là các dạng sau:
Cảm giác chóng mặt: Là cảm giác bị dịch chuyển trong không gian, tuy không rõ nét như chóng mặt thật sự nhưng nếu nó xảy ra chỉ khi quay đầu hoặc nặng lên rõ rệt khi quay đầu thì tổn thương thường cũng có nguồn gốc từ tiền đình.
Cảm giác mất thăng bằng: Cảm giác này không kèm theo bất kỳ cảm giác khác lạ nào trong đầu. Nó có thể có nguồn gốc từ tiền đình, nhưng cũng có thể có nguồn gốc từ tiểu não, từ cảm giác sâu (cảm giác bản thể), từ hệ thị giác.
Cảm giác sợ hãi muốn té xuống, hầu như trong đa số trường hợp có nguồn gốc từ tâm lý.
Cảm giác choáng váng, cảm giác hoa mắt thường tương ứng với những bệnh lý tim mạch, hay thiểu năng tuần hoàn não.
Như vậy, phải gọi tên sao cho đúng khi đến khám bác sĩ?
Bạn khoan hãy cảm thấy hoang mang với danh từ chóng mặt. Thật ra, không chỉ riêng ở nước ta, mà ở các nước sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, thì việc chọn từ đúng để diễn tả triệu chứng chóng mặt cũng gặp chung một vấn đề như mình thôi.
Trong tiếng Anh, "Dizziness" là một thuật ngữ không chính xác mà người bệnh thường sử dụng để mô tả các cảm giác liên quan khác nhau, bao gồm: xỉu, choáng váng, cảm giác mất thăng bằng, cảm giác đứng không vững, cảm giác quay.
Trong khi đó, thuật ngữ đúng hơn để chỉ chóng mặt thật sự là "Vertigo". Khi mô tả chóng mặt, người bệnh ở nước ngoài thường sử dụng từ "dizziness", "vertigo" và các thuật ngữ khác thay thế và không nhất quán. Những người khác có rối loạn giống nhau có thể mô tả các triệu chứng của họ rất khác nhau khi đến khám bác sĩ.
Hãy đi khám với bác sĩ để làm rõ các cảm giác chóng mặt liệu có nguồn gốc thực sự từ tiền đình hay không (Ảnh minh họa)
Như vậy, việc phân định chính xác triệu chứng chóng mặt phụ thuộc vào người được đào tạo chuyên môn, đó là các bác sĩ. Bác sĩ sẽ đặt nhiều câu hỏi cho bạn để làm rõ cảm giác chóng mặt. Các câu hỏi thường tập trung khai thác các khía cạnh sau:
Quá trình khởi phát và diễn biến
- Tiền sử sức khỏe của bản thân người bệnh và gia đình người bệnh.
- Điều kiện sinh họat, lao động, học tập, giải trí, nghỉ ngơi, các thói quen… của người bệnh.
Các yếu tố liên quan đến chóng mặt như:
- Thời điểm xảy ra chóng mặt.
- Nhịp độ tiến triển: một cơn, tái phát…
- Khoảng thời gian: thoáng qua, vài phút…
- Tính chất của cảm giác xoay: Hướng từ phải sang trái hay ngược lại; xoay tròn, dọc hay ngang; không xác định được rõ.
- Tính chất của mất thăng bằng: Như đứng trên thuyền, trên đệm hoặc choáng váng hay lảo đảo hoặc đổ về một hướng nhất định…
- Ảnh hưởng của tư thế đầu hoặc cơ thể, xuất hiện khi nằm hay ngồi, hoặc khi chuyển thế từ ngồi sang đứng, từ đứng sang đi hoặc chuyển nghiêng mình sang bên đối diện ….
- Những biểu hiện khác kèm theo như sợ hãi, lo âu, mệt nhọc, toát mồ hôi, thay đổi huyết áp…
Mục đích cuối cùng của việc hỏi bệnh là để bác sĩ nhận biết cảm giác mà người bệnh mô tả dưới danh từ “chóng mặt” có đúng là chóng mặt thật sự có nguồn gốc từ tiền đình hay không. Với những biểu hiện và diễn biến, chóng mặt có thể là một triệu chứng, một hội chứng hoặc một bệnh lý.
Như vậy, khi thấy mình có cảm giác chóng mặt, bạn có thể tham khảo thêm các thông tin hữu ích, để lượng định xem mình có thật sự chóng mặt hay không, có các dấu hiệu nguy hiểm cần khám bác sĩ ngay không và những cách xử trí đơn giản, nhanh chóng, sẽ được đề cập ở kỳ tiếp theo.