1. Khi nào cần dùng thuốc hạ huyết áp?
Tăng huyết áp là bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê hiện nay trên thế giới có đến 1,13 tỷ người có huyết áp cao, con số này được dự đoán lên đến 1,56 tỷ người vào năm 2025.
Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, tình trạng này được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg.
Khoảng 90% trường hợp huyết áp tăng cao không xác định được nguyên nhân. Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Ngoài ra còn có các yếu tố khác dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp như thói quen ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, dư cân hoặc béo phì, ít vận động thể lực, có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
Thông thường, thay đổi lối sống sẽ là liệu pháp đầu tiên trong điều trị tăng huyết áp. Nếu như thay đổi lối sống không đem lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ cần dùng các thuốc điều trị tăng huyết như: Thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc chẹn beta, thuốc chẹn thụ thể angiotensin...
2. Một số tác dụng phụ thường gặp và cách khắc phục
Cũng như các loại thuốc khác, thuốc huyết áp có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần biết, thường gặp như:
- Lợi tiểu: Các thuốc lợi tiểu (trị tăng huyết áp) khiến người bệnh đi tiểu nhiều. Do đó để tránh mất ngủ vào ban đêm, người bệnh nên dùng các thuốc lợi tiểu vào buổi sáng để hạn chế ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu phải dùng hai lần/ngày, liều thứ hai nên uống trước 4 giờ chiều.
- Giảm lượng kali trong máu: Có thể bổ sung kali để tránh nguy cơ giảm kali. Lưu ý, người bệnh không được tự ý bổ sung kali vì nếu lượng kali trong máu quá cao có thể gây ngừng tim dẫn tới tử vong.
- Ho khan: Đây là tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc ức chế men chuyển. Đôi khi tình trạng ho kéo dài dai dẳng, người bệnh phải chuyển sang dùng nhóm thuốc khác.
- Hạ huyết áp tư thế: Nhiều loại thuốc huyết áp gây hạ huyết áp tư thế, khiến bệnh nhân chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng khi ngồi dậy/đứng lên khi đang ngồi trên ghế. Để tránh gặp phải tác dụng phụ này, người bệnh không nên thay đổi tư thế đột ngột hoặc dùng thuốc khởi đầu với liều thấp, sau đó tăng liều dần.
Một số lưu ý khác:
- Thuốc chẹn beta không nên dùng cho bệnh nhân hen, COPD, người có bệnh liên quan đến mạch máu ngoài tin, vì có thể làm trầm trọng thêm bệnh.
- Thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta giao cảm: Những người mắc bệnh đái tháo đường khi sử dụng thuốc chẹn beta thì cần lưu ý vì nó có thể che giấu các triệu chứng, do vậy phải thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết khi bắt đầu dùng các thuốc này.
- Khi đang dùng thuốc chẹn kênh canxi, bệnh nhân nên kiêng ăn bưởi vì trái cây này có thể can thiệp vào quá trình bài tiết của thuốc, ảnh hưởng đến nồng độ thuốc trong cơ thể. Hãy sử dụng thuốc cách thời gian ăn ít nhất 4 tiếng.
Ngoài ra, để tránh các tác dụng phụ do thuốc huyết áp, người bệnh nên có chế độ ăn giàu chất xơ gồm rau, củ, quả. Đồng thời, uống nhiều nước và thường xuyên vận động để phòng tránh táo bón, mất nước và suy giảm kali; ngủ đủ giấc; trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng có thể gặp khi dùng thuốc huyết áp.
3. Dùng thuốc huyết áp thế nào cho an toàn?
Để hạn chế các tác dụng phụ khi dùng thuốc trị huyết áp, người bệnh cần lưu ý:
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Không dùng đơn thuốc của người khác, bởi mỗi người có tình trạng bệnh, thể trạng khác nhau, phác đồ điều trị cũng khác nhau. Việc dùng theo đơn của người khác có thể vô tình làm cho bệnh thêm trầm trọng hoặc không hiệu quả hoặc gặp tai biến do thuốc...
- Nếu quên thuốc, có thể uống ngay sau khi nhớ ra. Nếu quá gần thời gian uống liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và uống thuốc theo liều đã kê.
- Thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đã và đang sử dụng để tránh các tương tác thuốc có thể xảy ra.
- Tái khám theo định kỳ.
- Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi dùng thuốc huyết áp, nên báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tăng huyết áp nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não.