Chóng mặt, cần làm gì?

21-05-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Chóng mặt là một ảo giác, bệnh nhân cảm thấy xung quanh hoặc bản thân xoay tròn; khi nặng thường kèm theo nôn và người bệnh có thể ngã khi đi.

Chóng mặt là một ảo giác, bệnh nhân cảm thấy xung quanh hoặc bản thân xoay tròn; khi nặng thường kèm theo nôn và người bệnh có thể ngã khi đi. Vậy cách xử trí và khi nào cần nhập viện, bài viết sau đây cung cấp thông tin rõ hơn về vấn đề này.

Chóng mặt là tình trạng phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều ở người cao tuổi và những bệnh nhân cao tuổi thường không quan tâm vì họ chấp nhận nó như một triệu chứng của sự lão hóa.

Nếu chóng mặt kéo dài cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chóng mặt như: Chóng mặt từ mắt do sự mất cân đối của các cơ mắt hoặc khúc xạ mắt chẳng hạn như đeo kính cận không đúng độ; chóng mặt từ tai do rối loạn trong áp lực chất lỏng bên trong tai trong; chóng mặt còn do thần kinh trung ương, cơ khớp, lão hóa, do dùng thuốc... Ngoài ra, chóng mặt do một số bệnh lý như: tim mạch, rối loạn tiền đình, tăng huyết áp hay huyết áp thấp cũng có thể gây ra sự choáng váng.

Đối với chóng mặt thông thường

Đối với người hay bị chóng mặt khi thấy có biểu hiện ngồi xuống ngay khi cảm thấy chóng mặt và cần tránh thay đổi tư thế đột ngột, như đang nằm bỗng đứng nhanh dậy hoặc xoay nhanh sang hai bên... nếu buổi tối cần bật đèn sáng và cần vịn tường hoặc chống gậy khi đi bộ để giúp cân bằng nếu có nguy cơ bị té ngã. Tránh xoay đầu quá mức như cúi xuống, ngửa lên hoặc xoay qua hai bên.

Tránh các chất có thể làm giảm tuần hoàn não như cà phê, thuốc lá, ăn mặn. Tránh những yếu tố nguy cơ như tình trạng căng thẳng, các chất gây dị ứng. Để tránh chóng mặt khi đi tàu xe, nên nhìn ra xa về phía trước, không đọc sách hay ngồi nhìn về phía sau, không nhìn hay nói chuyện với người khác khi đang bị chóng mặt, tránh các thức ăn có nhiều gia vị hay mùi quá mạnh. Không làm các công việc nguy hiểm khi đang chóng mặt như lái xe, leo trèo cao.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu các triệu chứng chóng mặt không lặp lại nhiều lần, không kèm theo các triệu chứng khác thì không cần phải đến bác sĩ. Cách điều trị thông thường là nằm nghỉ hầu hết các triệu chứng sẽ tự phục hồi. Nếu chóng mặt kéo dài, ngày càng tăng và kèm theo một số triệu chứng khác như: buồn nôn, sốt, sụt cân, nhìn đôi, nhức đầu, động kinh và yếu ở cánh tay hoặc chân… thì có thể gây nguy hiểm nên cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

Bác sĩ Nguyễn Trung

 

 

 


Ý kiến của bạn