Hà Nội

Chống lão hóa để duy trì làn da khỏe, đẹp

27-11-2020 08:30 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Ở cùng một độ tuổi, có “người trông trẻ, kẻ thấy già”. có nhiều nguyên nhân tạo nên sự khác biệt này. việc chăm sóc, bảo vệ làn da trước vấn đề lão hóa là một trong những nguyên nhân mang tính quyết định để “trẻ hóa” làn da của mỗi người.

Lão hóa nói chung và tình trạng lão hóa của làn da nói riêng là một quá trình suy mòn, của các tế bào trong cơ thể. Đây là một quy luật tự nhiên, chịu sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Có hai quá trình tạo nên tác động lão hóa chung của cơ thể:

Lão hóa nội sinh: Các yếu tố bên trong cơ thể gây nên quá trình lão hóa. Con người sinh ra lớn lên, già đi; đây là quá trình tất yếu phải xảy ra, điều này do một quy trình hoạt động được qui định bởi các gien trong cơ thể.

Lão hóa ngoại sinh: Các yếu tố gây lão hóa từ bên ngoài cơ thể. Có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến các vấn đề lão hóa của cơ thể như hút thuốc, tiêu thụ nhiều bia rượu, lối sống không lành mạnh, tiếp xúc với ánh mặt trời mà không có biện pháp bảo vệ thích hợp và đúng cách… Bên cạnh đó, các tác nhân ô nhiễm từ môi trường, khói bụi…, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự lão hóa của cơ thể nói chung và của làn da nói riêng.

Ngoài ra, một số cử động liên tục của cơ mặt cũng gây nên sự hình thành nếp nhăn. Thói quen ngủ tì đè một bên mặt cũng làm tăng mức độ lão hóa của da.

lão hóa

Lão hóa da theo độ tuổi

Cơ thể con người luôn diễn ra song song hai quá trình xây dựng và phá hủy, tùy theo mỗi giai đoạn khác nhau của sự phát triển mà quá trình nào chiếm ưu thế. Khi bước sang tuổi 25, quá trình tăng sinh cũng như tái tạo tế bào chậm dần và sự sản sinh lipid bị suy giảm khiến cho làn da bị thô ráp, sần sùi hơn, các nếp nhăn cũng hình thành nhiều hơn và tăng dần theo độ tuổi; các cấu trúc collagen cũng bị phá hủy làm da mất đi độ săn chắc, đàn hồi. Ở độ tuổi 30, làn da đã có những biểu hiện lão hóa rõ rệt, sức sống, độ căng mịn của làn da giảm rõ rệt so với giai đoạn trước, các sắc tố tàn nhang, đốm nâu xuất hiện nhiều hơn… Bước sang giai đoạn tuổi 45, các dấu hiệu lão hóa càng thể hiện rõ, da mỏng, sần sùi hơn, các rối loạn phân bố mỡ làm làn da chảy xệ, nếp nhăn xuất hiện nhiều ở các vùng khác nhau trên mặt…

Sự phát triển của khoa học- kỹ thuật đã mang đến nhiều giải pháp khác nhau để chăm sóc làn da. Có thể kể đến các công nghệ như laser, ánh sáng, căng chỉ, tiêm botox, chất làm đầy…
Công nghệ mỹ phẩm đa dạng hiện nay cũng giúp cung cấp nhiều hơn các dưỡng chất giúp nuôi dưỡng, bảo vệ làn da chống lại lão hóa.

Tùy theo độ tuổi, mức độ lão hóa cũng như vấn đề gặp phải ở từng cá nhân mà trên làn da có thể xuất hiện các vấn đề lão hóa da khác nhau. Trong đó phổ biến các dạng như:

Rối loạn sắc tố: Rối loạn sắc tố có hai dạng khác nhau là tăng sắc tố và mất hay giảm sắc tố, nhưng vấn đề tăng sắc tố được quan tâm và chú ý nhiều hơn. Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dưới tác động của các bức xạ nhìn thấy và không nhìn thấy, hệ thống sắc tố của da chịu sự tác động và tổn thương. Tùy theo mức độ, cường độ mà tổn thương này có sự khác biệt. Làn da 25-30 tuổi thường xuất hiện tàn nhang, đốm nâu, nhất là những vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Độ đậm của tàn nhang cũng có sự gia tăng theo mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nám da thường gặp ở phụ nữ trên 35 tuổi, ban đầu thường xuất hiện 2 bên má và có xu hướng ngày càng lan rộng và đậm màu hơn.

Nếp nhăn: Nếp nhăn có nhiều mức độ khác nhau. Từ những nếp nhăn nhỏ li ti trên da cho đến những nếp nhăn lớn, các vết chân chim ở đuôi mắt… Ở độ tuổi sau 30, các nếp nhăn nông bắt đầu xuất hiện ở  vùng quanh mắt, các nếp nhăn vùng má có thể thấy rõ ràng sau tuổi 40. Các nếp nhăn lớn cũng xuất hiện với nhiều mức độ khác nhau

Da chùng nhão, chảy xệ: Thông thường, khi vào tuổi 50, các dấu hiệu lão hóa da có những biểu hiện rất rõ rệt. Da chùng nhão, chảy xệ cũng xuất hiện. Sự phân bố mỡ trên cũng mặt thay đổi, cấu trúc mỡ sâu tiêu giảm, chức năng nâng đỡ của da cũng không còn. Xuất hiện các dấu hiệu chảy xệ như nọng cằm, nếp nhăn sâu hơn và nhiều hơn.

Da sần: Có thể gặp ở bất cứ tuổi nào. Khi ở tuổi 50, theo sự lão hóa của da, các vấn đề da sần cũng xuất hiện nhiều hơn do rối loạn tăng sinh da tiến triển. Phổ biến là tình trạng u tuyến mồ hôi tạo nên các hạt sần ở vùng mắt, dày sừng ánh sáng (đốm đen trên da), phì đại tuyến bã, tạo nên các nốt sần trên da.

Gân máu trên mặt: Tổn thương mạch máu là các rối loạn về sự phát triển mạch máu ở một vùng da, có thể do sự thay đổi mật độ hoặc kích thước mạch máu ở một vùng da, sự thay đổi mật độ hoặc kích thước mạch máu hoặc cả hai. Một số tổn thương khác có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ lớn như u mạch hình nhện, gây nhiều phiền toái cho người bệnh.

Chăm sóc lão hóa từ khi nào?

Lão hóa da là một quá trình tích lũy theo năm tháng. Việc chú trọng chăm sóc da, ngăn ngừa lão hóa từ giai đoạn sớm và đúng cách sẽ mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với việc điều trị khi các vấn đề lão hóa đã xuất hiện. Tùy theo mỗi giai đoạn khác nhau của làn da, độ tuổi mà quá trình chăm sóc da có thể khác biệt. Ở giai đoạn nào cũng cần chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh làn da, thông qua việc rửa mặt đúng cách với các chế phẩm phù hợp, cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng làn da thông qua chế độ dinh dưỡng, thực phẩm cũng như các loại mỹ phẩm. Bảo vệ tốt làn da trước những tác nhân bất lợi từ môi trường như ô nhiễm, khói bụi, đặc biệt là ánh nắng mặt trời. Điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, giảm căng thẳng, không hút thuốc, từ bỏ chất kích thích… cũng góp phần chăm sóc và nuôi dưỡng làn da.

Với giai đoạn muộn, khi làn da đã có các dấu hiệu lão hóa, cần đến khám tại các cơ sở có chuyên môn để đảm bảo xác định đúng vấn đề, nguyên nhân của làn da để có các biện pháp xử lý phù hợp. Nhiều trường hợp tin theo các thông tin, chỉ dẫn không có căn cứ khoa học trên mạng xã hội,  truyền miệng… đã để lại nhiều tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi cho sức khỏe của làn da.



Ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hóa da. Nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không có các biện pháp bảo vệ thích hợp thì việc lão hóa da sẽ diễn ra nhanh chóng; đặc biệt là những trường hợp tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong thời gian dài.


BS.CKII PHẠM ĐÌNH LÂM, BS.CKI NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG
Ý kiến của bạn