Chống lãng phí từ việc “kỷ niệm”,...

18-12-2017 08:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong một năm, trên cả nước ngoài 7 dịp kỷ niệm cấp quốc gia còn có bao nhiêu dịp kỷ niệm, như ngày thành lập của các bộ, ngành, địa phương có 87 ngày;

ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương có 121 ngày; chưa kể 63/63 tỉnh, thành phố có kỷ niệm ngày thành lập, tái lập tỉnh, thành.

Kỷ niệm là cần thiết để nhớ đến truyền thống ngành, địa phương nhưng mỗi lần kỷ niệm là mỗi lần phải tổ chức yến tiệc, đãi đằng, thêm quà kỷ niệm, “phong bì” kèm theo là một sự lãng phí rất lớn. Chưa kể khách mời từ khắp nơi, cả Trung ương đến địa phương, quan chức, đại biểu đi máy bay, ở khách sạn sang, lo ăn và tiếp trước ngày khai mạc lễ kỷ niệm. Tiền BTC phải chi ra lấy từ đâu nếu không phải lấy từ ngân khố quốc gia. Với 200-300 ngày kỷ niệm trong 1 năm như thế chưa kể hội thảo, hội nghị liên miên, nhất là vào dịp gần hết năm như để giải ngân, đất nước không nghèo, nợ công không tăng mới là chuyện lạ.

Chúng ta chống tham nhũng nhưng lãng phí cũng là vấn đề không thể lơ là vì tác hại của nó quả là không nhỏ với sự phát triển của đất nước.

Về đạo lý càng thấy day dứt. Một bàn tiệc dọn ra linh đình, nhưng ăn uống mâm cao cỗ đầy. Chai nước ngọt, nước suối bóc ra chỉ để uống một ngụm, bia bọt tràn lan khui ra uống không hết chỉ đem đi đổ. Nhìn những bàn tiệc thừa mứa đó và nghĩ tới “bữa cơm có thịt” của học sinh miền núi, mới thấy cái tội rất lớn của sự lãng phí. Không ít lãnh đạo, khách mời trong nhà đầy những “quà kỷ niệm” như cặp sách, lọ hoa, bộ ấm chén do thường đi dự lễ kỷ niệm trong khi các cháu nhỏ vùng sâu vùng xa đến trường đang thiếu sách vở và đồ dùng học tập.

Có thêm nhiều vô lý trong mọi lễ kỷ niệm như trước khi khai mạc, BTC nào cũng muốn gây ấn tượng hoặc câu giờ chờ “long trọng viên” tới đã mời truyền hình trực tiếp, xây dựng chương trình văn nghệ hoành tráng, huy động nhiều ca sĩ, diễn viên múa, dàn nhạc hiện đại. Chi tiêu cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật này có thể xây được một trường học hoặc một trạm y tế tử tế, hiện đại. Mà quan khách dự lễ kỷ niệm thì không có nhu cầu thưởng thức văn nghệ như thế này.

Chính phủ đã có dự thảo Nghị định “Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương”, nếu thực hiện đúng theo quy định này, mỗi năm cả nước tiết kiệm được một số tiền rất lớn cho ngân sách và quan trọng hơn, đó là chống được lãng phí. Giáo dục toàn dân lối sống văn minh.

Không người dân nào đồng tình trước sự xa hoa phù phiếm khi nước đang còn nghèo đã rất đồng tình ủng hộ. Cho dù nước mạnh, dân giàu, cũng không nên cho phép tổ chức những lễ kỷ niệm tốn kém nhưng không có hiệu quả về tuyên truyền, thậm chí phản tác dụng trước dư luận. Mong Thủ tướng Chính phủ nên chăng ra quyết định tuyệt đối không tổ chức các lễ kỷ niệm theo hình thức tốn kém. Dành tiền đó lo cho việc quốc kế dân sinh. Lo cho dân bằng chính những hành động như vậy.

Xin nhắc lại, lễ kỷ niệm là cần thiết song  cách tổ chức lễ kỷ niệm lại là điều cần bàn. Ví dụ trong ngày kỷ niệm thành lập hay truyền thống ngành thì BTC tổ chức hay ủy quyền cơ sở đến thăm, tặng quà thiết thực cho những người trong ngành đang có đóng góp lớn, đang khó khăn để tri ân và giúp đỡ. Trong ngày kỷ niệm thành lập tỉnh hay tái lập tỉnh chẳng hạn, BTC phát động toàn quân, toàn dân đi dọn rác để làm sạch đẹp đô thị, đường phố hoặc khởi công xây cầu bắc qua sông suối cho dân đi, lo cải tạo trạm y tế cho dân...

Đó mới thực sự là kỷ niệm!


Lê Đức Trí
Ý kiến của bạn