Chống khủng bố hâm nóng bàn hội nghị IPU-132

31-03-2015 09:09 | Quốc tế

SKĐS-Tại phiên họp toàn thể của IPU-132, các đại biểu nhấn mạnh, cần chống khủng bố trên mọi mặt trận

“Chống khủng bố trên tất cả các mặt trận” là đề xuất của nhiều đại biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU-132 thảo luận về chủ đề khẩn cấp: Đối phó với nhóm khủng bố Pokoharam diễn ra ngày 30/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự cho rằng đã đến lúc cần lên án các hành động khủng bố, nhất là khi các hành động đó lại nhằm vào các đối tượng là phụ nữ và trẻ em.. Các tổ chức khủng bố sử dụng bạo lực rất tàn bạo và gây tội ác với dân thường, thậm chí bắt cóc, đòi tiền chuộc và sử dụng Internet để thu hút và tuyển dụng những người trên thế giới vào mạng lưới của họ. Một số điểm nóng của khủng bố được nhắc đến là Nigeria với nhóm khủng bố khét tiếng Boko Haram, các hoạt động xung đột ở Afghanistan hay xung đột giữa Nga – Ukraina.

Trong một thời gian ngắn đã có hơn 20 người bị hành hình theo hình thức cắt cổ. Tháng 1/2015, có 2 trẻ em nữ 10 tuổi trở thành nạn nhân thông qua cảm tử của tổ chức Pokoharam. Chính vì thế, các nghị sĩ khẳng định: Cần chống lại mọi loại hình khủng bố; cần có những hành động cụ thể khuyến khích Quốc hội và Chính phủ lên án các tổ chức, cá nhân giúp đỡ Pokoharam theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Đại diện đến từ quốc gia Tchard ở châu Phi đưa ra vấn đề nhóm khủng bố Pokoharam tại châu Phi để nói lên về vấn đề khủng bố. Hiện các 5 quốc gia trong châu Phi đã tham gia rất tích cức chống lại tổ chức khủng bố Pokoharam. Hiện, Liên Hợp Quốc đã có nỗ lực lớn để chống lại, cũng như Liên minh châu Phi có sáng kiến để chống lại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU 132

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU 132

"Chúng ta đã có hội nghị thượng đỉnh về chống khủng bố tại Paris, Nigeria và Cameroon. Đã đến lúc chúng ta ý thức lên án chống lại nạn khủng bố thảm sát hàng loạt phụ nữ và trẻ em. Đây là những hành động không thể tha thứ. Chúng tự xưng mình là thánh chiến, nhân danh đạo Hồi. Chúng coi đây là hành động có lý, xóa bỏ châu Phi nơi mà chúng chiếm đóng, gây nên những hậu quả kinh tế lớn mà chúng ta không thể đo đếm được, người dân vô tội đã trở thành nạn nhân" - đại diện Tchard cho hay.

Theo đại diện đến từ đoàn Bỉ, bất kể tổ chức nào đã giúp đỡ tài chính cho các tội phạm chống lại loài người hay những tổ chức có những hành động như vậy cần phải đưa ra tòa án tội phạm quốc tế. Đồng thời, cần có chiến lược để cản trở các hình thức quảng cáo hay cung cấp thông tin của các tổ chức này.

Ông Richard Msowoya, đoàn Malawi cho rằng, các nước ở châu Phi đang bị cô lập trong chống lại khủng bố. Những nước không có điều kiện chống lại khủng bố thì trẻ em không được đến trường. Ví dụ tại Nigeria, Chính phủ nước này phải chi ra rất nhiều tiền để chống lại khủng bố, không có tiền để chống đói nghèo. Từ đó, ông Richard Msowoya đề ra 4 biện pháp để chống lại khủng bố. Thứ nhất, cần phải nỗ lực trao đổi để đi đến giải pháp cụ thể ngay tại diễn đàn IPU này. Thứ hai, các nước cần hợp tác với nhau để chống lại khủng bố. Thứ ba, cần hợp tác để ngăn chặn nguồn tiền tài trợ cho khủng bố. Thứ tư, cần đưa ra điều luật để chống lại khủng bố"-ông Richard Msowoya nói.

Trong các nhóm khủng bố khét tiếng nguy hiểm và tàn bạo, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đang là một tổ chức khủng bố nguy hiểm trên hàng đầu thế giới, huy động nhiều thanh niên ở nhiều nước tham gia.

Đại biểu đoàn Italia cho rằng "Quốc hội cần đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua Luật chống khủng bố, Luật thu thập thông tin chống khủng bố". Nói như lời bà Bronwyn Bishop, Chủ tịch Hạ viện Australia thì "Để đối phó hiệu quả với Pokoharam, cần tiến hành nhiều biện pháp như ngăn chặn ủng hộ tài chính cho tổ chức này, đưa các cá nhân hay tổ chức ủng hộ Pokoharam ra Tòa án quốc tế, đồng thời ngăn chặn việc cung cấp thông tin cho tổ chức này. Rất nhiều người đã ngã xuống và thậm chí quyền lực của chúng ta bị thách thức. Do đó, chúng tôi mong muốn chúng ta ủng hộ cho quyết tâm này. Thế giới sẽ không chấp nhận những hành vi và những chiến thuật của các kẻ khủng bố hiện nay đang sử dụng. Chúng ta có mặt tại đây để chúng ta cùng nhau thể hiện cam kết”.

Chỉ ra việc khủng bố không chỉ gây ra nhiều cuộc khủng hoảng, tất cả các cuộc tấn công này gây ra nhiều hậu quả, tư tưởng loại bỏ văn hóa châu Âu ra khỏi khu vực châu Phi để truyền bá tư tưởng hung bạo, các cuộc thánh chiến gây ra hậu quả lớn khiến kinh tế các nước bị ảnh hưởng, khi số tiền dùng để chống khủng bố hoàn toàn có thể dùng để xóa đói giảm nghèo, đại diện Tchard nói: "Khủng bố Pokoharam phải bị tấn công trên tất cả các mặt trận để bảo vệ người dân. Tôi muốn gióng lên một hồi chuông cảnh báo để chống lại nạn khủng bố, vì thế các quốc gia cần liên kết lại với nhau để chống lại sự hung bạo này".

Đại diện các quốc gia đang hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố cũng như là nơi các tổ chức khủng bố chiếm đóng đều lên án những tổ chức đang hàng ngày hàng giờ, đe dọa thường dân, uy hiếp các chính phủ. Các đại biểu đều đồng lòng nhất trí việc phải kết hợp, chia sẻ thông tin giữa Chính phủ và Quốc hội các nước mới mong đẩy lùi được vấn nạn này.

HY- BV

 


Ý kiến của bạn