Chống kháng thuốc - Cuộc chiến không của riêng ai

05-08-2014 19:52 | Thời sự

SKĐS - Phát biểu tại Hội nghị Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 - 2020 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức ngày 5/8

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 - 2020 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã nhấn mạnh, các bệnh lý nhiễm khuẩn vẫn luôn chiếm tỷ lệ lớn trong mô hình bệnh tật của Việt Nam. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh...

Theo Bộ Y tế, vấn đề kháng thuốc đã xuất hiện từ những năm cuối của thập kỷ 60, tuy nhiên việc gia tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại. Gánh nặng về chi phí điều trị do các bệnh nhiễm khuẩn gây ra khá nhiều do việc phải thay thế kháng sinh cũ bằng kháng sinh mới đắt tiền.

Làm xét nghiệm tìm vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh: TM

Làm xét nghiệm tìm vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh: TM

Còn tại Việt Nam, kết quả khảo sát việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc khu vực phía Bắc cho thấy, có khoảng 50% người dân ở thành thị thường yêu cầu bán thuốc kháng sinh dù không có đơn của bác sĩ. Các loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin. Số liệu báo cáo từ 15 BV trực thuộc Bộ Y tế và BVĐK một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh về sử dụng kháng sinh giai đoạn 2008 - 2009 cho thấy, 30 - 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4. Trong một báo cáo khác về tìm hiểu thực trạng sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn BV tại các đơn vị điều trị tích cực ở một số cơ sở KCB cho thấy, nhóm aminoglycosid và fluoroquinolon tỷ lệ kháng kháng sinh trên 60%... Chính việc lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm ban đầu đã dẫn đến hệ lụy kháng thuốc cao, thể hiện qua sự không phù hợp với kháng sinh đồ lên đến 74%. Ngoài ra, có một con số đáng báo động khác về tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam là chúng ta đứng hàng thứ 14 trong 27 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc trên thế giới.

Cũng liên quan đến tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, theo một nghiên cứu của BV Nhi TW, có đến 44% các bà mẹ tự ý đi mua thuốc kháng sinh cho con. Điều này gây nên tác hại to lớn cho trẻ, khiến trẻ bị kháng kháng sinh, thậm chí mắc nhiều tác dụng phụ. Đến khi trẻ bị nhiễm khuẩn thực sự thì các kháng sinh đơn thuần đã mất hết tác dụng.

Tất cả những con số về tình trạng kháng thuốc, trong đó có kháng kháng sinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo thói quen dùng thuốc bừa bãi, tự ý làm thầy thuốc của nhiều người dân hiện nay. Việc kháng thuốc, trong đó có kháng kháng sinh đã không chỉ khiến người bệnh bị ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm gia tăng gánh nặng chi phí điều trị, tăng tình trạng quá tải BV.

Vậy trước thực trạng trên, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế việc kháng kháng sinh trong cộng đồng. Bên lề hội nghị, phóng viên báo SK&ĐS đã trao đổi với đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý - ngành y tế và lãnh đạo một số BV:

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên: Các BV cần tuyệt dối tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh, phòng lây nhiễm chéo

Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 - 2020. Tuy nhiên kế hoạch mang tính chất liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ/ngành, các cấp từ TW đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế. Về phía ngành y tế, cùng với kế hoạch trên, Bộ cũng đã xây dựng các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh truyền nhiễm, do đó các BV cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn này, đồng thời thực hiện nghiêm việc phòng lây chéo trong BV để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh. Bộ Y tế cũng sẽ liên tục thanh, kiểm tra khâu kê đơn, sử dụng thuốc tại BV để phát hiện và sẽ xử lý nghiêm các sai phạm. Bộ Y tế xây dựng Chương trình Giám sát quốc gia về kháng sinh, thiết lập hệ thống giám sát mức độ đề kháng của vi khuẩn tại mỗi BV, khu vực và trong phạm vi toàn quốc...

Ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: Kê đơn hợp lý tuyến dưới - Giảm tình trạng kháng thuốc

Hiện nay, do thói quen người dân tự ý mua thuốc về dùng, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến việc kháng thuốc. Chính vì thế, hiện nay có tình trạng người bệnh đã sử dụng một số loại kháng sinh nhưng vẫn không khỏi bệnh, do đó khi bác sĩ tiếp tục kê đơn các kháng sinh tương tự thì bệnh nhân phải kéo dài thời gian điều trị, gây tốn kém cho cả bệnh viện và bệnh nhân.

Tôi cho rằng, cùng với việc người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc, các thầy thuốc, đặc biệt là thầy thuốc ở các bệnh viện tuyến dưới trong khi kê đơn thuốc, trong đó có kháng sinh nên có sự tư vấn về sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho người bệnh, đồng thời kê đơn một cách hợp lý. Việc kê đơn thuốc hợp lý từ tuyến dưới mang lại rất nhiều ý nghĩa trong điều trị, góp phần hạn chế tình trạng kháng thuốc và giảm quá tải cho các BV tuyến trên.

Ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW: Người dân không nên lạm dụng kháng sinh

Hiện tại, BV Bệnh Nhiệt đới TW đã tiến hành lưu lại tất cả các nguồn gen của người bệnh mắc bệnh vào ngân hàng chủng gen. Qua đó, chúng tôi phát hiện đã bắt đầu xuất hiện nhiều chủng gen kháng thuốc. Tỷ lệ tử vong do kháng thuốc chiếm từ 30 - 90% tùy từng mức độ kháng kháng sinh của vi khuẩn. Đáng báo động là hiện nay đã có vi khuẩn siêu kháng thuốc, khiến tỷ lệ tử vong lên đến 99% (kháng tất các loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới).

Hệ quả này là do thói quen tự ý sử dụng thuốc bừa bãi của người dân. Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng, người bệnh không nên lạm dụng thuốc. Khi có bệnh cần đi khám chứ không tự ý uống thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Khi uống cần tuân thủ 4 quy tắc: đúng chỉ định, liều lượng, thời gian và cách dùng.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn