Trong 9 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý gần 170 nghìn vụ việc vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, khởi tố hơn 1.000 vụ án hình sự. Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo ngày 11/11 về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng đầu năm 2015.
Tính chất ngày càng nghiêm trọng
Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, số lượng các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng gia tăng, thủ đoạn tinh vi hơn và tập trung ở các tuyến biên giới. Các mặt hàng vi phạm nổi lên trong thời gian qua chủ yếu là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Số vụ việc bị phát hiện luôn có chiều hướng tăng cao, nhất là những tháng cuối năm. Trong đó, lực lượng hải quan qua công tác chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 18.000 vụ việc, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng. Lực lượng thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm hơn 51.000 doanh nghiệp (DN), tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 8.000 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý gần 87.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 370 tỷ đồng.
Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, khó phát hiện nhất là vào những tháng cuối năm.
Thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường đã và đang là một vấn nạn ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất trong nước, đe dọa sức khỏe, tinh thần của người tiêu dùng. Bên cạnh việc chờ các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn vấn nạn trên, các DN cũng tự tìm cho mình nhiều giải pháp, trong đó có việc sử dụng tem chống hàng giả. Tuy nhiên, đến chính tem chống hàng giả cũng bị các đối tượng làm giả, việc này làm đau đầu các cơ quan chức năng.
Tem chống hàng giả, không phải muốn in là được?
Theo ông Nguyễn Phi Hải, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Vina CHG - một đơn vị chuyên cung cấp giải pháp chống giả tại Việt Nam: Các loại tem nhãn được in tại bất cứ cơ sở in nào với dòng chữ “tem chống hàng giả” trên thực tế không được coi là một loại tem chống hàng giả đúng nghĩa được. Loại “tem chống hàng giả” này ngoài tác dụng cung cấp thông tin ra thì hoàn toàn không có khả năng chống giả và không có tính pháp lý. Nhiều DN và người tiêu dùng đang nhầm lẫn giữa tem nhãn và tem chống hàng giả hiện nay, nó còn gây thiệt hại lớn cho chính DN và người dùng. Bởi khi xảy ra sự cố về hàng giả, sẽ rất khó xử lý vì tem nhãn không được in với mục đích “chống giả”, rất dễ làm giả. Bên cạnh đó, việc in tem chống hàng giả cũng không hề đơn giản. Theo quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP, đơn vị in tem chống hàng giả phải có giấy phép in tem chống hàng giả. Các DN muốn in tem chống hàng giả cũng không phải cứ muốn in là được như nhiều quảng cáo về dịch vụ in tem chống hàng giả được đăng tràn lan trên mạng xã hội, internet hiện nay.
Tem chống hàng giả khi được dán lên sản phẩm của DN, ngoài chức năng chống giả, giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả, còn thể hiện uy tín, sự tận tâm của DN đối với sản phẩm mình làm ra và vì quyền lợi của người tiêu dùng. Thực tế hiện nay có nhiều công ty, đơn vị đang cung cấp dịch vụ in tem chống hàng giả trên thị trường mà chỉ có giấy phép ĐKKD và giấy phép in ấn thông thường. Và trước nhu cầu ngày càng lớn của DN về nhu cầu chống giả này, các đơn vị trên sẵn sàng “hô biến” con tem nhãn đơn giản thành tem chống hàng giả, vô hình trung gây thiệt hại cho DN và người tiêu dùng.
Trần Lâm - K.Giang