Hà Nội

Chống dịch vùng biên cần sự phối hợp đa phương, đa ngành

27-03-2021 18:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với đường biên giới dài hơn 240km, tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia, 16 cửa khẩu, trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế, tỉnh Tây Ninh cần huy động sự phối hợp đa ngành, sự hỗ trợ của nhân dân, cũng như sự phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Sáng ngày 27/03, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng BCĐ quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, khai báo y tế tại cửa khẩu biên giới Mộc Bài, công tác cách ly tập trung do quân đội quản lý tại khu K71 (Gò Dầu) và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tây Ninh.

 Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng BCĐ quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng,chống dịch COVID-19 làm việc với tỉnh Tây Ninh

Tạo điều kiện thuận lợi giao thương hai chiều

Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đoàn đã kiểm tra giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong công tác vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận công dân nhập cảnh qua cửa khẩu.

Người dân qua cửa khẩu biên giới Mộc Bài được yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định về bảo hộ phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang cũng như thực hiện các kiểm tra hành chính đúng quy định, đối với phương tiện sang biên giới để vận chuyển hàng hóa ngoài việc kiểm tra các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với tài xế, các phương tiện cũng được thực hiện phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; các luồng di chuyển được kiểm soát và bố trí theo một chiều, các yêu cầu về trang phục bảo hộ, giãn cách, hạn chế tiếp xúc được thực hiện chặt chẽ.

Hoạt động giao thương hàng hóa qua cửa khẩu biên giới Mộc Bài được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ

Sau khi kiểm tra, cũng như thực hành giả định các tình huống với các nhân viên công tác tại cửa khẩu biên giới Mộc Bài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt cũng như quyết tâm trong công tác phòng, chống dịch tại cửa khẩu, đồng thời nhấn mạnh: “Cần đảm bảo công tác khai báo y tế đối với các trường hợp qua lại cửa khẩu biên giới, nhất là các trường hợp khai báo bằng hình thức tờ khai giấy cần được dữ liệu hóa nhằm thuận tiện trong việc giám sát tại khu cách ly cũng như tại địa phương; 100% các trường hợp nhập cảnh phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định; Với công tác quản lý vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu, cần có nhiều phương án khác nhau tùy theo đặc thù của khu vực sẽ áp dụng đổi tài xế hoặc đổi container chứa hàng, tuy nhiên đều cần đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, cần có các khu vực lán trại để tài xế chờ đợi khi đổi xe, đổi container, đảm bảo các yêu cầu trang phục bảo hộ, phòng dịch, đảm bảo không tiếp xúc giữa lái xe của hai nước; đảm bảo các mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế hiệu quả, xây dựng các phương án, kịch bản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa hai chiều”.

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên thực hiện tình huống giả định hướng dẫn khai báo y tế cùng nhân viên cửa khẩu biên giới Mộc Bài

Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Tây Ninh cần quản chặt đường biên giới, đặc biệt là đường mòn lối mở, các trường hợp phức tạp do đặc điểm về giao thoa dân cư tại vùng biên; Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép đặc biệt là các đối tượng, tổ chức đứng ra tổ chức nhập cảnh trái phép; Đề nghị ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo ban chỉ đạo các huyện, các xã có biên giới giáp ranh với nước bạn cần có những quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống ngăn chặn dịch bệnh cũng như đấu tranh với các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép để tăng cường sự phối hợp đa phương, nâng cao công tác an toàn phòng dịch, an ninh biên giới; Các hoạt động chống dịch tại cửa khẩu phải được thực hiện dưới sự phối hợp liên ngành, trong đó Tỉnh chủ động lựa chọn đơn vị đảm nhiệm trưởng ban để làm đầu mối thông tin, lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia vào ban chỉ đạo cấp huyện cho phù hợp; Rà soát, tiến hành thành lập, bổ sung, xây dựng quy chế hoạt động của các ban chỉ huy phòng chống dịch tại các đồn biên phòng, cửa khẩu chuyên nghiệp, rõ ràng để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Luôn sẵn sàng nhiều kịch bản

Đoàn công tác cũng đã thăm, kiểm tra và giám sát công tác cách ly tập trung do quân đội quản lý tại khu K71 (Gò Dầu), nơi đang có 118 người thực hiện cách ly. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác cách ly tại khu tập trung K71 được thực hiện tốt, quản lý chặt chẽ, nhất là trong công tác điều phối, tiếp nhận suất ăn, nhu yếu phẩm… Đoàn công tác cũng khuyến nghị: Các khu cách ly tập trung dù được tổ chức, quản lý dưới hình thức nào (ở doanh trại quân đội hay ở khách sạn theo yêu cầu) cũng cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về cách thực vận hành, hoạt động, tổ chức, các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh…

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên trao đổi cùng sinh viên nước bạn đang được cách ly tại khu tập trung K71

Vấn đề phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly cần được đặc biệt quan tâm: Xây dựng phòng chờ hạn chế tiếp xúc của các trường hợp cách ly xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đang được lấy mẫu xét nghiệm và chờ kết quả với các trường hợp cách ly khác; Triển khai cách ly theo nhóm, thời gian, không để lẫn các nhóm đối tượng cách ly; Bắt buộc đeo khẩu trang, cấm tụ tập, chú ý giữ khoảng cách… phòng cách ly cần thông thoáng; Cán bộ ban quản lý hạn chế tối đa vào phòng, đảm bảo các quy định phòng chống dịch, giữ khoảng cách.

Các suất ăn được thực hiện theo tiêu chuẩn hiện hành, đáp ứng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng, thực phẩm

Về công tác xét nghiệm SARS-COV-2 và điều trị bệnh nhân COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị: Tỉnh nên chủ động xây dựng các phương án, kịch bản để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch; Ban chỉ đạo tỉnh chủ động chọn các địa điểm xây dựng thành bệnh viện dã chiến dựa trên các cơ sở y tế sẵn có, xây dựng đề án cơ sở, nhân sự nhằm sẵn sàng đưa vào hoạt động, vận hành khi có yêu cầu với lực lượng được huy động từ nhân viên y tế, quân y, công an…; Tuân thủ nguyên tắc truy vết nhanh, khoanh vùng diện hẹp, xét nghiệm diện rộng có trọng tâm khi xuất hiện ca bệnh, tuân thủ các chỉ định, quy định về xét nghiệm, sàng lọc, nâng cao năng suất xét nghiệm; Viện Pasteur TP.HCM xây dựng các phương án, báo cáo Bộ Y tế để sẵn sàng huy động các cơ sở y tế của bộ như Viện Pasteur, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất… thậm chí là các cơ sở y tế như BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Đại học Y Dược TP.HCM… để hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.

Kiên định mục tiêu kép

Dịch bệnh luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, các kịch bản tình huống luôn có thể xảy ra, để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế hiệu quả, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu: Tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; Tập huấn, quán triệt quy định đối với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập như đảm bảo các phương án phòng, chống dịch, phát hiện sàng lọc và báo cho các đơn vị y tế, các cơ sở không đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch thì chủ động rút giấy phép hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép; lưu ý các cơ sở kinh doanh thuốc cần có hồ sơ thông tin liên hệ, theo dõi (họ tên, địa chỉ, thông tin liên lạc, lịch sử di chuyển…) đối với các trường hợp khách hàng mua, sử dụng thuốc có liên quan đến các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19; Tính đến các biện pháp an toàn phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp để đảm bảo mục tiêu kép phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả, đối với các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng chống dịch kiên quyết tạm dừng hoạt động để khắc phục, kiểm tra, giám sát; Truy cập, cập nhật bản đồ an toàn COVID với các đơn vị bệnh viện, khách sạn, trường học

Khẩn trương thực hiện tiêm an toàn Vắc xin phòng COVID-19

Về công tác tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19, với 400 liều được phân bổ trong đợt 1, tỉnh cần có kế hoạch và khẩn trương thực hiện để nhanh chóng tạo ra đáp ứng miễn dịch, hình thành lá chắn sinh học giúp bảo vệ người tiêm trước nguy cơ dịch bệnh (Chậm nhất trong đầu tuần tháng 4 hoàn thành tiêm chủng đợt 1), nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng, tuyệt đối không chạy theo số lượng, các đối tượng có nguy cơ, chống chỉ định thì không tiêm trong đợt này; Cập nhật, tập huấn cho các cán bộ y tế trong hệ thống tiêm chủng và các cơ sở y tế trên địa bàn có tổ chức tiêm chủng; Khi có các phản ứng sau tiêm, Hội đồng đánh giá chuyên môn của tỉnh cần đánh giá ngay, phân tích nguyên nhân của các phản ứng, gửi về Bộ Y tế để tổng hợp đánh giá nhằm nâng cao độ an toàn, đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả trong tương lai; Làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của vắc xin cũng như những trường hợp tác dụng sau tiêm của vắc xin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng phù hợp với đặc điểm dân cư địa phương.

Đoàn công tác cũng đã ghi nhận các ý kiến, kiến nghị hỗ trợ của địa phương. Với các trường hợp có thể giải đáp, hỗ trợ giải quyết đoàn công tác đã giải đáp và cùng địa phương tháo gỡ; với các trường hợp ngoài thẩm quyền đoàn đã ghi nhận để tập hợp, tổng kết và sẽ gửi yêu cầu hỗ trợ đến các bộ, ban, ngành phụ trách.


Khôi Nguyễn
Ý kiến của bạn