Việt Nam đứng top 10 các nước có khả năng phục hồi tốt
Đã 1 năm trôi qua kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, đến nay, thế giới cũng đã “nếm” đủ những tác động nhiều mặt mà dịch bệnh gây ra. Trong khi một số quốc gia ứng phó vô cùng hiệu quả với dịch bệnh, có không ít quốc gia lâm vào cảnh bị hết làn sóng dịch này đến làn sóng dịch khác ập xuống. Hãng tin Bloomberg của Mỹ mới đây có bài phân tích về những quốc gia vượt lên đại dịch tốt nhất cũng như tệ nhất thế giới.
Theo phân tích của Bloomberg ở 53 quốc gia trên thế giới, đây là những quốc gia có GDP từ 200 tỷ USD trở lên, trong đó có đại diện nhiều châu lục với tốc độ phát triển kinh tế khác nhau. Các yếu tố đánh giá bao gồm số ca nhiễm, số người tử vong, số người được xét nghiệm, mức độ nghiêm trọng của việc đóng cửa, khả năng tiếp cận với vắc-xin, dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP), chỉ số phát triển con người, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe... Khảo sát của hãng tin đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 10 về khả năng phục hồi (đạt 74,3 điểm), đứng đầu trong các quốc gia ở Đông Nam Á, xếp trên cả Singapore. Trong top 10 quốc gia có khả năng phục hồi tốt nhất (theo Bloomberg), các nước ở châu Á chiếm đa số.
Báo cáo nhận định, châu Á Thái Bình Dương đã đi trước các nước Tây Âu và Mỹ Latinh trong xử trí với dịch bệnh. Theo bảng xếp hạng, New Zeland đứng thứ nhất, tiếp sau là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Phần Lan, các quốc gia như Mexico, Argentina, Peru, Bỉ và Cộng hòa Séc ở vị trí cuối bảng. Tại New Zealand, người dân được coi là đang sống trong một thế giới không có COVID-19 do nước này chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm/100.000 dân mỗi tháng, tỷ lệ tử vong là 5 người/ 1 triệu dân. Về xét nghiệm và truy vết hiệu quả, hầu hết đều thuộc các nước châu Á, điển hình như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên đến nay, Hàn Quốc và kể cả Nhật Bản cũng đang đứng trước thách thức lớn. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc hôm 26/11 thông báo, lần đầu tiên trong vòng 8 tháng Hàn Quốc ghi nhận hơn 500 ca nhiễm COVID-19 trong ngày, quốc gia này đang áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh.
Quỹ tiền tệ Quốc tế ước tính 5 nền kinh tế có tăng trưởng.
Vì đâu một số quốc gia đạt được thành quả trong chống dịch?
Theo tờ Bloomberg, xếp hạng khả năng phục hồi sau COVID-19 cho thấy một sự thật bất ngờ đối với các nước từng được coi là “đầu tàu”, là những nền kinh tế phát triển nhất thế giới thì nay bị tụt xuống nửa cuối danh sách như các quốc gia ở châu Âu, Anh, Pháp... Một số địa điểm từng là trung tâm du lịch toàn cầu như London, New York, Paris thì nay trở thành tâm dịch với mức độ lây nhiễm cao. Ở châu Á, Thái Lan, Singapore, nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch nay cũng chịu những tác động lớn đến kinh tế.
Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo, chỉ có rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Ai Cập, Bangladesh. Đây chính là những quốc gia được liệt vào dạng “ngoại lệ” trong bối cảnh dịch bệnh. Bloomberg nhận định, các nước như Mỹ, Anh, Ấn Độ ứng phó với dịch bệnh kém hiệu quả, trái ngược hoàn toàn với các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc. “Đó là do người dân tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ và bản thân họ có sự tuân thủ các biện pháp hướng dẫn của chính quyền”, báo cáo cho biết. Thậm chí, một số nước còn đặt ra các mức độ cảnh báo ở mỗi tình huống dịch bệnh, điều này giúp họ chủ động hơn trong việc ứng phó với căn bệnh chưa từng được biết đến.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci lý giải: “Chìa khóa để các nước không phải đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế đó là đầu tư vào hệ thống y tế công cộng”. Chính nhờ hệ thống y tế công cộng mà nhiều quốc gia đã triển khai được việc theo dõi tiếp xúc, xét nghiệm hiệu quả, đặc biệt là giáo dục truyền thông tới cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe như rửa tay, đeo khẩu trang đến từng người dân - ông Fauci cho biết.