Không được chủ quan, lơ là với dịch COVID-19
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Gia Lai, tính từ ngày 26/4 đến sáng 25/10, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1.422 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trước diễn biến của dịch bệnh, ngày 25/10, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công điện gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh này chỉ đạo tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 và đẩy nhanh tiêm chủng vaccine.
Trong công điện của lãnh đạo tỉnh Gia Lai nêu rõ, địa phương công bố dịch ở mức 2. Tuy nhiên do đặc thù riêng ở Gia Lai đang đối diện như: Y tế cơ sở thiếu nhân lực, hạ tầng, thiết bị. Người về từ vùng dịch đông, xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là. Vậy nên cần tăng cường chống dịch hơn nữa.
Thực tế, thời gian qua, người dân trở về Gia Lai từ TP.HCM và các tỉnh vùng tâm dịch rất đông nên tỉnh Gia Lai đã yêu cầu chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 khu vực cầu 110 (giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai-Đắk Lắk) thực hiện kiểm soát dịch chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện Chư Pưh, Chư Prông và Krông Pa còn lập các chốt kiểm soát phụ tại đường mòn, lối mở, các trục đường khác vào Gia Lai để kiểm soát những người về từ vùng dịch và né tránh không khai báo.
Ông Rơ Ô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, huyện Krông Pa cho biết: Chúng tôi chỉ đạo các tổ COVID-19 cộng đồng rà soát, nắm bắt từng hộ, từng khẩu. Lập danh sách những gia đình có con em học tập, lao động ở những tỉnh, thành có dịch để vận động thực hiện nghiêm việc khai báo y tế khi trở về địa phương. Vậy nên nếu phát hiện ca mắc COVID-19 nào sẽ được tiến hành khoanh vùng, xử lý.
Kiểm tra tại chốt kiểm dịch cầu 110, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Cần đảm bảo tốt công tác phân luồng, sàng lọc người đến/về Gia Lai một cách chặt chẽ, khoa học, phòng chống lây nhiễm chéo. Đồng thời phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các lực lượng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hiệu quả.
Đối với các trường hợp đi/về từ vùng dịch phải thực hiện khai báo y tế. Đối với những trường hợp khai báo gian dối, làm lây lan dịch bệnh thì phải kiên quyết xử lý.
Tại các tỉnh khác ở Tây Nguyên như: Kon Tum; Lâm Đồng… từng khu phố/thôn/buôn cũng được quán triệt tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch COVID-19. Các biện pháp cách ly tại nhà hay theo dõi sức khỏe… được hướng dẫn chi tiết.
Tỉnh Đắk Lắk vẫn "nóng" với các ca mắc COVID-19 tăng cao
Trong số các tỉnh ở Tây Nguyên thì tỉnh Đắk Lắk vẫn liên tục phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, từ 16h ngày 24/10 đến 16h ngày 25/10 trên địa bàn ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, huyện Lắk 53, TP. Buôn Ma Thuột 52, huyện Krông Búk 28, huyện Krông Ana 26, huyện Ea H'leo 02, huyện M'Đrắk 02, thị xã Buôn Hồ 02, huyện Krông Pắk 01, huyện Cư M'gar 01. Tổng số trường hợp mắc bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã lên 3.324 trường hợp (trong đó đang điều trị 1.353 trường hợp; 1.949 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, và 22 trường hợp đã tử vong).
Lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho biết, một trong những khó khăn lớn đó là nhiều ca nhiễm không rõ nguồn lây. Địa phương đang tích cực điều tra, truy vết, triển khai cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan.
Để giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, ngành y tế địa phương cũng tiến hành theo dõi sát tình hình diễn biến điều trị. Cùng với đó, tuyên truyền với thực hiện thông điệp 5K đến từng người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu.
Xem thêm video: Người dân và du khách dần thích ứng an toàn với COVID-19 ở Khánh Hòa
Người dân và du khách dần thích ứng an toàn với COVID-19 ở Khánh Hòa