Theo ghi nhận, nhiều nhà thuốc nghiêm túc chấp hành, nhưng một số nhà thuốc chưa quan tâm thực hiện để phòng chống dịch.
Chủ động tầm soát ngoài cộng đồng
Ngay từ sớm, tỉnh Hà Nam đã nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh thuốc bán thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, trị ho, sổ mũi, cảm cúm... cho người không có đơn thuốc của bác sĩ, để không bỏ sót những trường hợp có biểu hiện bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Chính nhờ quản lý tốt các trường hợp nghi ngờ nên Hà Nam sớm khoanh vùng và tiến hành xét nghiệm ngay các trường hợp nghi mắc trong cộng đồng không để lây lan rộng.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thông tin, khi dịch COVID-19 xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn các tỉnh, thành phố khi bán thuốc cho những người có dấu hiệu cảm cúm, có triệu chứng ho, sốt phải ghi lại tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh.
Đây chính là biện pháp để phát hiện sớm các ca bệnh, kịp thời khoanh vùng cách ly và điều trị, bên cạnh việc truy vết theo thông tin dịch tễ.
Sở Y tế Quảng Nam đã cung cấp đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp tỉnh cũng như người quản lý tại các địa phương đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn để tiếp nhận thông tin từ các cơ sở. Ngoài ra, các nhà thuốc bán lẻ hiện nay được hỗ trợ để vận hành hướng dẫn các ứng dụng khai báo y tế điện tử.
Các cửa hàng thuốc phải khai thác bệnh sử người mua và lưu lại thông tin.
Nắm chắc thông tin người mua thuốc
Hàng loạt tỉnh, thành khác cũng đã siết chặt quản lý các cửa hàng bán thuốc tân dược trong bối cảnh COVID-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đăk Lăk, Gia Lai thông tin: Ngành y tế địa phương đã kiểm tra một số cơ sở hành nghề dược trên địa bàn tỉnh có trường hợp bệnh nhân bị ho, sốt tự ý mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, nhằm ngăn chặn triệt để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, ngành y tế đã chỉ đạo việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân.
Cụ thể, trường hợp người dân đến mua thuốc để điều trị các bệnh về đường hô hấp hoặc có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở... cần phải được nhân viên nhà thuốc hướng dẫn khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn, hoặc gọi điện thoại đến các đường dây nóng của ngành y tế địa phương.
Ngành y tế nhiều địa phương khác cũng đã quán triệt đến các cơ sở bán lẻ thuốc cần ghi lại đầy đủ thông tin bệnh nhân về họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, số điện thoại, triệu chứng để sẵn sàng truy vết khi cần thiết.
Trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng sốt, ho, khó thở... mà nhân viên nhà thuốc, quầy thuốc không khai thác thông tin người mua để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.