Hà Nội

Chông chênh “phận” tuồng

29-09-2018 08:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống ở nước ta, sân khấu tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một. Bởi thực tế nhiều vở diễn của các nhà hát dù bán vé hay miễn phí rất vắng người xem, trong khi đó, thế hệ trẻ cũng không mặn mà với bộ môn nghệ thuật này trong thời buổi văn hóa giải trí phát triển như hiện nay.

Rộng dài âu lo

Ra đời từ thời nhà Trần, tuồng được đánh giá là một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển độc đáo của Việt Nam. Sân khấu tuồng phát triển cực thịnh vào thế kỷ XVII - XVIII và tuồng là bộ môn nghệ thuật tổng hợp gồm có cả văn học, hội họa, âm nhạc, múa, trò diễn... Không như các loại hình sân khấu khác, nội dung những tác phẩm tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc. Chính vì thế, tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Trong kho tàng các vở tuồng cổ ở nước ta, nổi tiếng có Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Trưng nữ vương...

Trải qua thời gian với không ít tác động của đời sống xã hội, các loại hình giải trí, nghệ thuật mới lấn át..., nghệ thuật tuồng nhiều năm qua đã cho thấy nhiều nỗi lo âu nhãn tiền. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, hằng tuần, tại rạp hát Hồng Hà (Hà Nội), nhà hát vẫn đều đặn có hai đêm diễn để phục vụ khách du lịch, với các trích đoạn tuồng cổ đặc sắc như Ông già cõng vợ đi xem hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo... nhưng chủ yếu là khách nước ngoài khoảng 40 - 50 người, thậm chí có buổi chỉ có 4 khách vãng lai vào xem. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, tối nào chúng tôi cũng diễn. Khán giả đến xem đông đảo và thuộc vở mà vẫn thích”. Thời đỉnh cao, nhiều vở diễn được 500 buổi, 300 buổi, diễn viên thuộc hết thoại của tất cả các nhân vật, còn bây giờ một vở dựng xong có khi tốn bao công tập luyện của người nghệ sĩ thì khán giả tới rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chông chênh “phận” tuồngMột trích đoạn tham dự Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 vừa qua.

Khán giả hờ hững đã là một nỗi lo lớn, việc tìm người kế cận sân khấu tuồng cũng cam go không kém. Nghệ sĩ giỏi nghề, biết nhiều về tuồng cổ hiện đã ở tuổi xưa nay hiếm, trong khi đó, thế hệ trẻ hiện nay không mặn mà với loại hình nghệ thuật này. Nhiều năm qua, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế đi về tận các vùng quê của Huế, Quảng Bình, Quảng Trị để thông báo, tuyên truyền và tổ chức sơ tuyển học sinh có năng khiếu về tuồng nhưng không có bạn trẻ nào đăng ký. Trong khi đó, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đăng tải thông tin, phát tờ rơi rồi cử giảng viên về tận các trường học của nhiều tỉnh, thành phố để thông tin và tuyển diễn viên nhưng khi tuyển được 40 em thì một năm sau đã có 5 em thôi học. Trường cũng đào tạo 5 nhạc công tuồng, nhưng sau đó cũng chỉ còn lại một em đi đến hết chặng đường dù khi học các em đã được miễn 87% học phí theo chế độ, được bố trí chỗ ăn ở miễn phí, cam kết ra trường được về làm việc ở Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Khơi thông bằng cách nào?

Cách đây không lâu, Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 đã thu hút 400 nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 15 câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên của 7 tỉnh, thành phố trong cả nước. NSND Lê Tiến Thọ đánh giá, qua các trích đoạn tại hội diễn vừa qua, một số nghệ sĩ, nghệ nhân đã có những tìm tòi sáng tạo, đưa nghệ thuật sân khấu tuồng lên một bước tiến mới và dài. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn hạn chế khi nghệ sĩ nói và hát không rõ lời, hát chênh nhạc; hóa trang kẻ mặt chưa nét, chưa đẹp, xử lý đạo cụ còn tùy tiện...

Rõ ràng, nghệ thuật tuồng như đã nói trên ngày càng mai một, bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn. Theo NSND Lê Tiến Thọ,  xảy ra điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy do các nhà hát thiếu kinh phí nên các vở diễn thường bị chắp vá. Ngoài ra, chế độ bồi dưỡng cho diễn viên, nghệ sĩ quá thấp nên không ít người phải làm nhiều nghề tay trái để có thêm thu nhập. Cùng với đó, chất lượng của các vở tuồng mang tính cổ điển, khuôn mẫu ngày xưa đã không còn phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay...

Nhiều nghệ sĩ thừa nhận, để nghệ thuật tuồng “trỗi dậy” như trước ở thời buổi văn hóa giải trí bùng nổ như hiện nay rất khó, tuy nhiên cũng cần có cách khơi thông dòng chảy cho tuồng. Theo NSND Lê Tiến Thọ, chúng ta cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào trường học, duy trì và gây dựng lớp khán giả cho tuồng, phát triển hoạt động tuồng không chuyên. Cùng với đó, nghệ sĩ, diễn viên tuồng cần có sự ưu tiên, chế độ đãi ngộ hợp lý để giữ chân nghệ sĩ, giúp họ chuyên tâm với nghề. Ngoài ra, các cơ quan quản lý văn hóa -  du lịch cần đưa nghệ thuật tuồng thành sản phẩm du lịch để vừa có nguồn thu nhằm duy trì, vừa bảo tồn và phát huy di sản quý của cha ông để lại.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn