Chống bụi mịn...

12-04-2019 12:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Ô nhiễm không khí do khí thải từ phương tiện giao thông, khói bụi từ nhà máy nhiệt điện, các công trường xây dựng, cháy rừng và rác thải đang là tình trạng báo động khiến mức độ ô nhiễm môi trường xuống mức nguy hại...

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao với những cuộc tranh luận công khai về nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Ngay tại Hà Nội, chất lượng môi trường không khí đang ở mức nguy hiểm cho sức khỏe con người, đặc biệt là sự xuất hiện dày đặc bụi mịn PM2.5. Đó là những hạt bụi li ti trong không khí. Khi lượng bụi này tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình xanh (GreenPeace) về tác động của PM2.5 lên sức khỏe con người: Khi tiếp xúc với PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn...

Theo thống kê, phần lớn lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm. Cũng theo các chuyên gia môi trường, môi trường không khí ở Hà Nội ô nhiễm do nhiều nguyên nhân như: Quá trình đô thị nhanh với mật độ công trình xây dựng quy mô lớn; sự gia tăng dân số cơ học; lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... Tuy nhiên, để có thể đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện chất lượng không khí, Hà Nội cần tăng cường số lượng trạm quan trắc không khí tự động và đảm bảo duy trì vận hành liên tục.

Ô nhiễm không khí không hề có biên giới, bụi bẩn, ô nhiễm môi trường sống và những hệ lụy của sức khỏe cộng đồng sẽ chỉ được và giải quyết khi ý thức của người dân và các cấp quản lý thực sự chú trọng. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đây cũng là nguyên tắc quản lý môi trường cực kỳ quan trọng, nó sẽ  hiệu quả hơn việc chạy theo xử lý khi ô nhiễm đã xảy ra. Chính vì thế, các chuyên gia môi trường khuyến cáo người dân nên theo dõi thường xuyên chất lượng không khí qua cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường... Với những người thuộc nhóm nhạy cảm như người mắc bệnh hen suyễn, lao phổi, nên ở trong nhà khi mức độ ô nhiễm không khí cao. Trong trường hợp ra đường, để chống lại loại bụi mịn PM2.5, người dùng nên sử dụng các khẩu trang chuyên dụng có thể ngăn chặn loại bụi nguy hiểm này.

Cùng với đó, Hà Nội và những nơi ô nhiễm không khí cao cần tăng cường đặt và vận hành các trạm quan trắc tự động, hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học; khẩn trương tăng diện tích mặt nước và cây xanh vì cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, để mọi người cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ môi trường không khí. Sẽ tốt hơn nếu người dân chủ động, cùng tham gia, ví dụ như chiến dịch tắt xe máy ở các ngã tư; làm thế nào để người dân Hà Nội đi bộ nhiều hơn, đồng thời ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường thật nghiêm, không để tình trạng các công trình xây dựng, giao thông bụi mờ mịt như hiện nay.


Trần Ngọc Linh
Ý kiến của bạn