Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Các chuyên gia cho biết bạo hành đối với phụ nữ là bất kỳ hành động bạo lực nào trên cơ sở giới gây ra hoặc có thể gây ra tổn hại cho phụ nữ về mặt thể chất, tình dục hoặc về tâm lý hay kinh tế. Bạo hành phụ nữ vi phạm nghiêm trọng những quyền con người cơ bản nhất và mang màu sắc bất bình đẳng giới, là nguyên nhân hàng đầu gây ra các tổn thương của nhiều phụ nữ.
Tại Việt Nam, kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đã xác định 32% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo hành thể chất trong đời, 10% từng bị bạo hành tình dục, 54% phải chịu bạo hành tinh thần. Nếu xem xét đến cả 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng thì có không ít phụ nữ Việt Nam cho biết từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo hành gia đình kể trên.
Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”. Như vậy, bạo lực gia đình bao gồm các yếu tố bạo hành về thể chất, tinh thần và cả về kinh tế; ngoài ra, theo phân loại các hình thức bạo lực gia đình còn có cả yếu tố bạo lực tình dục.
Theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên, 87% số nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, bạo lực tình dục có thể xảy ra tại gia đình, nơi được cho là an toàn và bình yên, nhiều người còn cho rằng cưỡng bức tình dục chỉ do người lạ gây ra, khi cưỡng ép và hoặc để lại những tổn thương về thể xác cho các nạn nhân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây về 462 vụ cưỡng bức và tấn công tình dục đã chỉ ra một thực tế hoàn toàn khác. Trong 86% vụ việc này kẻ tình nghi lại có mối quan hệ quen biết với nạn nhân.
Nhằm hưởng ứng chiến dịch toàn cầu “16 ngày hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” năm 2015 do Liên hợp quốc phát động, vừa qua một số tỉnh, thành phố, đơn vị đã kêu gọi người dân tham gia ngăn chặn và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bắt đầu bằng cách thay đổi các quan niệm văn hóa mang tính phân biệt đối xử đang cho phép bạo lực xảy ra. Việc này là cần thiết, song việc dùng luật để bảo vệ quyền lợi của phái yếu có tác dụng phòng chống bạo lực gia đình mạnh mẽ hơn cả. Bên cạnh đó, phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, trong đó lấy phòng ngừa là chính; cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội ngay tại mỗi gia đình và mỗi địa phương.