Thực tế cho thấy, bạo lực gia đình càng ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng. Hiện nay, bạo lực gia đình không chỉ là chuyện chồng đánh vợ mà xảy ra ở nhiều đối tượng khác trong gia đình, con cái bạo hành cha mẹ... Thời gian gần đây, một số vụ việc như chồng đánh vợ dã man trước mặt con nhỏ lại tiếp tục khiến cộng đồng dậy sóng bức xúc. Vì thế, đưa vấn nạn bạo lực gia đình lên màn ảnh nhỏ để lên án, đồng thời giáo dục mọi người cần ứng xử nhân văn để xây dựng một mái ấm hạnh phúc là điều mà các nhà làm phim nước ta nghĩ tới bấy lâu nay.
Liên quan đến câu chuyện này, từ ngày 9/9, Hãng phim Truyền hình TP.HCM giới thiệu đến khán giả bộ phim truyền hình Sống gượng (30 tập, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) dựa theo truyện dài cùng tên của tác giả Lê Tuyết. Đây là bộ phim dựa trên một cuộc đời có thật của hình mẫu gửi gắm trong nhân vật chính Như Ngọc, với đời sống mang đậm dấu ấn của bạo lực gia đình. Như Ngọc mồ côi cha từ sớm, hàng ngày thấy mẹ mình sống nhẫn nhịn, vì người chồng sau mà hy sinh cả tình cảm với con riêng. Sau này lớn lên, Như Ngọc vô tình lặp lại chính những tính cách đó, trở thành hình mẫu của mẹ, nhẫn nhịn hơn, đau khổ hơn trong hôn nhân khi bị bạo hành từ tinh thần đến thể xác. Lớn lên, Như Ngọc kết hôn với Huy, người chồng vốn là một nghệ sĩ chơi nhạc, kiêm thầy giáo dạy nhạc. Những tưởng sẽ bước vào một khung cảnh thơ mộng, nhưng không ngờ Huy lại “hiện nguyên hình” vì hay lấy cớ từng bị tai nạn ở đầu nên không kiểm soát được cơn giận và khi say, liên tục đánh Ngọc và sỉ nhục cô.
Cảnh trong Sống gượng - phim truyền hình đến với khán giả từ 9/9.
Đời sống bế tắc, Ngọc bỏ vào miền Nam. Huy cũng theo Ngọc và 2 người quyết tâm làm lại ở nơi xa lạ. Tuy nhiên, vào Nam, Ngọc luôn cáng đáng chuyện gia đình, Huy mặc cảm ăn không ngồi rồi để vợ lo, càng chì chiết và bạo hành Ngọc. Ngọc bị Huy đánh đến mức sinh non bởi hờn ghen vô lý. Những đòn roi tra tấn khiến Ngọc bất nhẫn đưa con bỏ trốn nhưng bị phát hiện và giam lỏng trong nhà. Đến bước đường cùng, Ngọc nhờ đến chính quyền can thiệp và cô nhận được quyền nuôi con chính thức... Theo nhà sản xuất Sống gượng, qua câu chuyện xúc động về nhân vật Như Ngọc, bộ phim này mong muốn chuyển tải thông điệp: Ngoài lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để gia đình được êm ấm thì hơn hết, giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ cần được coi trọng. Nếu là nạn nhân của bạo hành, họ cần đứng lên khi mọi sự cam chịu, nhẫn nhịn không đem lại kết quả.
Trước Sống gượng, phim Việt cũng đã có một số tác phẩm về đề tài bạo hành gia đình nhận được sự chú ý, đánh giá cao của khán giả. Đó là phim ngắn Mẹ con Hà (tác giả Phạm Thu Lê) từng đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc tại Lễ trao giải Búp Sen Vàng 2015. Khi bộ phim được trình chiếu trước đông đảo khán giả, nhiều người không khỏi sững sờ, phẫn nộ, rồi cảm thương day dứt về chuyện một bé gái bị người chồng hờ của mẹ bạo hành một cách vô nhân tính. Ca sĩ Phương Thanh cũng tạo được ấn tượng, làm người xem xúc động với phim ngắn Buông tay đi. Xuyên suốt hơn 7 phút, khán giả xem Buông tay đi phải chứng kiến không biết bao nhiêu lần người chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người vợ của mình trước mặt con nhỏ. Cùng với nỗi đau về thể xác là sự hoảng loạn, bế tắc và sợ hãi của người vợ mỗi khi gặp chồng mình. Nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội khi đứa con nhỏ phải chứng kiến cảnh ba đánh mẹ mình mỗi ngày. Người vợ bí bách đến cùng cực và phải chọn cái chết để giải thoát cho mình. Đến khi tận mắt nhìn thấy vợ mình nhảy cầu tự tử, người chồng mới thực sự hối hận thì đã quá muộn...
Trong đó phải kể đến 10 tập phim truyền hình mang tên Phá vỡ im lặng (đạo diễn Hoàng Nhuận Cầm). Phim là câu chuyện cảm động về chị Na, người phụ nữ nông thôn bất hạnh vẫn bị chồng bạo hành và đuổi đánh mỗi đêm chỉ vì chị không đồng ý sinh thêm cho gã một đứa con trai dù bác sĩ nhiều lần cảnh báo rằng nếu chị Na còn đẻ nữa thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Hoặc chuyện tình cảnh ê chề của chị Phai khi hàng ngày phải đối mặt với người chồng vũ phu và những lời mắng nhiếc thậm tệ chỉ vì chị đã để mất đời con gái trước khi làm vợ hắn... Phá vỡ im lặng vì thế là một bộ phim tiếp cận và phản ánh một vấn đề nóng trong xã hội, bạo lực gia đình, một cách trực diện và hấp dẫn. Nó không mang tính khẩu hiệu, hô hào khô cứng mà tuyên truyền chống lại nạn bạo hành một cách dễ chịu qua những câu chuyện sâu sắc...
Từ các bộ phim kể trên, các tác phẩm sẽ góp phần kêu gọi toàn xã hội cùng bảo vệ, đứng về những người phụ nữ đang phải sống trong cảnh bạo hành từ chính những người chồng. Và hơn cả, đó là tiếng nói của những người làm nghệ thuật nhằm lên án, đẩy lùi bạo lực gia đình để hướng đến một xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc.