Cách chọn gạo ngon, gạo mới
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gạo để các bà nội trợ lựa chọn. Muốn chọn gạo thơm ngon thì nên gạo mới được sản xuất bởi vì độ ngon, ngọt và hương thơm của gạo mới luôn nhiều hơn loại gạo đã để lâu ngày.
Nên lựa chọn loại gạo không được xay xát kỹ vì còn giữ được nhiều chất xơ, chất khoáng và vitamin. Ngược lại, loại gạo xay xát kỹ, được đánh bóng sẽ không còn các chất xơ, vitamin, khoáng chất... mà chỉ còn lõi gạo ở bên trong. Tuy lúc ăn dẻo và ngon miệng và ăn được nhiều, nhưng ăn xong sẽ đói rất nhanh, khi đói lại tiếp tục ăn như vậy sẽ gây nên hiện tượng thừa và tích trữ thành mỡ. Đó là chưa kể đến gạo trắng thường hay được tẩm ướp hương thơm, chất bảo quản.
Nên lựa chọn loại gạo có hạt tròn, đều và bóng, không bị nát, gãy hoặc không có hạt khác màu. Khi mua có thể cho một vài hạt gạo vào miệng và nhai, nếu thấy gạo có vị ngọt nhẹ, thơm là gạo ngon và chất lượng.
Không nên chọn loại gạo có màu quá trắng hay bị bạc bụng, có mùi lạ… vì có thể loại gạo này đã được tẩm trắng, tạo mùi hương và chứa chất chống mối mọt…
Chế biến đảm bảo dinh dưỡng
Khi vo gạo không nên xát mạnh tay, mà vo gạo như kiểu "rửa gạo" tức là cho gạo vào rá rồi khuấy nhẹ. Cách này vừa loại bỏ hết trấu, bụi bẩn, như vậy các vitamin và chất khoáng sẽ ít bị mất đi.
Khi nấu cơm, nên dùng nước sôi để nấu, hạt cơm sẽ dẻo hơn, giữ được mùi vị và các chất dinh dưỡng. Nấu cơm bằng nước sôi, lớp ngoài của hạt gạo co lại, tạo lớp màng bảo vệ hạt gạo không bị nứt, vỡ. Nấu cơm bằng nước lạnh, hạt gạo sẽ trương nở ra, các chất dinh dưỡng cũng theo đó mà tan ra trong nước. Nấu cơm theo khẩu vị ăn cứng hay mềm mà cho nước ít hay nhiều, đừng cho quá nhiều nước rồi lại gạn bỏ nước cơm sẽ gây mất thêm lượng lớn các chất dinh dưỡng.
Bảo quản gạo đúng cách
Để gạo luôn thơm ngon, chất lượng thì ngoài việc lựa chọn gạo, cần chú ý đến việc bảo quản gạo sau khi mua. Khi mua, chỉ nên mua gạo với lượng vừa phải, ăn được trong một thời gian ngắn rồi mua mới. Tránh tình trạng gạo để lâu, gây ẩm mốc, mối mọt và làm giảm chất lượng.
Nên đựng gạo trong các xô, thùng có nắp đậy, để nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp để đảm bảo lượng dinh dưỡng trong gạo không bị ảnh hưởng.
Giữ an toàn thực phẩm
Khi nấu cơm nên vừa đủ nhu cầu cho bữa ăn, không nên nấu nhiều, ăn không hết vừa mất thời gian, tốn nhiên liệu trong khi chế biến, đồng thời lại phải bảo quản cơm nguội (nếu còn quá nhiều). Sử dụng cơm nguội, cơm nấu lại không ảnh hưởng gì tới sức khỏe khi những thực phẩm này đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (không bị ôi thiu, nấm mốc, bảo quản ở nhiệt và thời gian an toàn). Nếu ăn cơm nguội để quá lâu hoặc bảo quản không đúng, người ăn có thể gặp một số nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.
Vì vậy, cơm nguội nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và đậy nắp kín khi bảo quản, khi ăn đem ra hấp lại. Không để cơm ngoài không khí với nhiệt độ thường vì dễ ôi thiu. Nếu không có tủ lạnh cần mở vung nồi, đậy rổ, rá lên trên và để nơi thoáng mát. Tuy nhiên, không để cơm lâu quá 8 tiếng, không để các thực phẩm hoặc thức ăn khác dính vào cơm nguội trong quá trình bảo quản vì dễ khiến cơm bị thiu. Không nên hâm nóng cơm quá 2 lần, bởi quá trình hâm nóng sẽ làm hao hụt chất dinh dưỡng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tại sao bữa sáng lại là bữa ăn quan trọng nhất.