Mới đây, những hình ảnh hàng trăm phụ huynh thức trắng đêm xếp hàng mua hồ sơ tranh suất vào lớp 1 cho con đã gây xôn xao dư luận. Đây là lần thứ hai diễn ra cảnh này ở trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Năm ngoái, khoảng 30 phụ huynh đến trường vào lúc 0h, được nhà trường bán hồ sơ sau đó 30 phút.
Để trúng tuyển vào lớp 1 trường Marie Curie, học sinh phải nộp hồ sơ để tham gia một buổi trải nghiệm. Buổi trải nghiệm theo thông báo của nhà trường chỉ dành cho 360 học sinh mua hồ sơ, trong 360 hồ sơ này sẽ chọn ra 180 học sinh trúng tuyển.
Những năm trước, cảnh phụ huynh xô đổ cổng trường Thực nghiệm ở Hà Nội để vào mua đơn xin học cho con vào lớp 1 cũng từng khiến dư luận xôn xao.
Có nên chọn trường cho con theo tin đồn?
Với kinh nghiệm làm mẹ của 2 con đang học đại học và cũng là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội, cô P.T.Trang chia sẻ, nhiều bậc phụ huynh không có mục tiêu rõ ràng khi chọn trường cho con mà chỉ nghĩ con cần có một môi trường tốt. Thậm chí, họ không đến tìm hiểu xem trường đó ra sao, có phù hợp với con mình không mà lại chọn trường cho con qua các diễn đàn trên mạng hay "nghe đồn", "nghe nói"...
Theo cô Trang, các bậc phụ huynh nên gọi điện hoặc đến tận trường để tìm hiểu. Ngay tại phòng tuyển sinh của trường cũng sẽ thể hiện phần nào sự chuyên nghiệp của ngôi trường đó. Phụ huynh có thể kết nối để tìm hiểu thông tin về trường qua những phụ huynh đang có con theo học tại trường, nhận biết về môi trường giáo dục qua cách ứng xử của giáo viên với với học sinh và phụ huynh, hay cách ứng xử của học sinh với nhau.
"Nuôi con là một chặng đường dài, vì thế, ngoài việc quan tâm đến chất lượng giáo dục, địa điểm trường có phù hợp không thì vấn đề tài chính của gia đình cũng là yếu tố mà phụ huynh phải lưu tâm. Phụ huynh không nên đầu tư cho việc học hành của con vượt quá khả năng tài chính bởi như vậy là mạo hiểm. Mức đầu tư cho việc học của con khoảng 30% tổng thu nhập là phù hợp", cô Trang chia sẻ.
5 tiêu chí khi chọn trường cho con
Về vấn đề chọn trường cho con vào lớp 1, PGS.TS Trần Thu Hương – giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bố mẹ không nên quá đặt nặng vấn đề chọn trường, chọn lớp với các con ở bậc mầm non, tiểu học, đặc biệt là trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Bởi dù ở trường tư thục hay công lập, các con đều được học những kiến thức như nhau, bao gồm: học đọc, học viết, học làm tính,.. Đây là những kiến thức rất cơ bản, không quá phức tạp.
Theo PGS.TS Trần Thu Hương, cha mẹ nên trực tiếp cùng con đến tham quan ngôi trường đang cân nhắc lựa chọn. Tại đây, con sẽ được trải nghiệm môi trường học tập và tự đưa ra lựa chọn mà con cảm thấy phù hợp nhất. Bố mẹ nên lựa chọn theo cảm nhận hạnh phúc của con thay vì tính toán dựa trên góc nhìn của người lớn. "Người ta vẫn luôn nói rằng "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Các con phải vui mới có thể học tốt, chú tâm được. Bố mẹ cũng không nên đặt ra câu chuyện lựa chọn trường nào, trường tư thục hay công lập. Điều quan trọng là các con trải nghiệm môi trường học tập, được vui vẻ và hạnh phúc mỗi khi đến trường".
Về các tiêu chí khi chọn trường cho con, theo chuyên gia giáo dục độc lập Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cha mẹ cần ưu tiên 5 tiêu chí.
Thứ nhất, chọn cho con ngôi trường gần nhà. Gần nhà thì con sẽ có thể tự đi đến trường và con sẽ học được tính tự lập rất tốt. Các cha mẹ cũng dễ dàng xử lý vấn đề nếu như con có chuyện gì đó ở trường.
Thứ hai, chọn lớp ít học sinh và không có tiếng tăm, lớp chọn. Lớp tốt, trường tốt có nhiều tiêu chí chứ không phải chỉ riêng cô giáo có thành tích tốt.
Thứ ba, ở các trường dân lập, phụ huynh cân nhắc với việc chọn lớp song bằng và tiếng Anh, vì chương trình học nặng hơn trường công lập. Nhiều học sinh không thể "tải" hết được cả chương trình của trường và chương trình của Bộ GD&ĐT. Học sinh tiểu học không nên yêu cầu quá nhiều khiến các em sợ học.
Thứ tư, cha mẹ nên đến cổng trường và nói chuyện với bọn trẻ. Nếu trường nào có tỉ lệ các cháu lễ phép, ngoan ngoãn và lịch sự cao hơn thì cho con vào. Vì giáo dục đạo đức luôn làm điểm nhấn quan trọng nhất trong mọi giai đoạn giáo dục con người. Các con đồng loạt lễ phép thì đúng là nhà trường đã giáo dục đạo đức cho các con rất tốt. Đạo đức tốt thì việc gì cũng sẽ ổn.
Thứ năm, mỗi người được gọi là thành công thì có nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải do trường học quyết định. Bản thân mỗi đứa trẻ, đặc biệt là gia đình mới là yếu tố chính. Vì vậy, bản thân bố mẹ phải quan tâm, yêu thương con thì nhất định con sẽ học chỉn chu và có ích trong tương lai.