Vào mùa nóng, nhiều người có các triệu chứng như đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón… Đây là triệu chứng của nhiều bệnh tiêu hóa khác nhau, trong đó có bệnh viêm đại tràng co thắt (VĐTCT). Vậy khi bị bệnh, cần dùng thuốc gì?
VĐTCT gặp khá nhiều trong cộng đồng và chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người có tuổi. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, thậm chí suy dinh dưỡng do kiêng khem quá mức.
Bệnh VĐTCT được hiểu là một số rối loạn chức năng của đại tràng, gây ra nhiều triệu chứng nhưng chưa tìm thấy bất kỳ một tổn thương nào ở đại tràng của người bệnh. Bệnh thường được gọi với các tên như VĐTCT hoặc hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh đại tràng chức năng.
Khi bị viêm đại tràng, cần đi khám và tuân thủ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Triệu chứng của VĐTCT biểu hiện tập trung chủ yếu về hệ tiêu hóa, thông thường có 3 loại: loại thứ nhất có đau bụng và tiêu chảy; loại thứ hai có đau bụng và táo bón; loại thứ ba có đau bụng, táo bón thỉnh thoảng bị tiêu chảy (có khi táo bón, có khi phân nát hoặc tiêu chảy). Khi bị VĐTCT, có thể dùng các thuốc sau:
Thuốc ức chế cơ trơn
Để điều trị các cơn đau quặn bụng có thể dùng một số thuốc ức chế cơ trơn, ví dụ như spasmaverin hoặc phloroglucinol. Phloroglucinol có tác dụng ly giải co thắt trên sợi cơ trơn do đó làm dịu cơn đau. Lưu ý, không phối hợp phloroglucinol với các thuốc có tác dụng gây co thắt mạnh như morphin và các dẫn xuất của morphin. Với phụ nữ đang mang bầu, phụ nữ cho con bú khi thật cần thiết mới được dùng và dùng theo chỉ định của bác sĩ. Phloroglucinol có thể gây một số phản ứng phụ như dị ứng đôi khi nặng, biểu hiện phát ban, nổi mề đay, phù Quincke. Đặc biệt, khi sử dụng dung dịch tiêm để tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch có thể gây hạ huyết áp dẫn đến sốc.
Spasmaverin là một loại thuốc có tác dụng giảm đau bụng do rối loạn chức năng đường tiêu hóa. Không dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai, nuôi con bú, trẻ em, những người bị huyết áp thấp, người bị tắc ruột hoặc bán tắc, liệt ruột, những trường hợp bị đau không rõ nguyên nhân. Tác dụng không muốn có thể gây mề đay, phù thanh quản, sốc trong các trường hợp bị dị ứng nặng.
Các thuốc trị chứng đầy hơi, trướng bụng
Để điều trị chứng đầy hơi, trướng bụng có thể dùng một số thuốc, ví dụ, trimebutine maleate, domperidol. Tuy vậy, ở Pháp và một số nước châu Âu hiện nay không dùng domperidol bởi vì thuốc có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt có thể gây đột tử, nhất là người có rối loạn nhịp tim, người trên 60 tuổi. Domperidol không được dùng khi đang xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột cơ học hoặc thủng đường tiêu hóa, bệnh nhân có khối u tuyến yên tiết prolactin (prolactinoma) và mẹ đang cho con bú.
Với thuốc trimebutin, bên cạnh tác dụng chính, thuốc có thể gây nên tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu… Thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi.
Ngoài ra, để điều trị đầy hơi, trướng bụng có thể dùng thêm một số men tiêu hóa, nhất là các loại lấy từ dịch tụy lợn, bò (pancreatin) hoặc dược chất có tác dụng lợi mật, thông mật cũng góp phần làm giảm đầy hơi trướng bụng.
Trị triệu chứng phân lỏng, nát…
Để điều trị phân lỏng, nát, không thành khuôn trong bệnh VĐTCT có thể dùng smectite intergrade hoặc loperamid.
Thuốc smectide intergrade có khả năng bao phủ niêm mạc tiêu hóa nên bảo vệ được niêm mạc tiêu hóa. Nên uống sau ăn và uống thêm nước. Có thể gây một số tác dụng phụ như táo bón hoặc đầy hơi, nôn hoặc buồn nôn. Với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ, người cao tuổi muốn sử dụng smectid intergrade cần có chỉ định và tư vấn của bác sĩ, không tự động mua thuốc dùng.
Thuốc loperamid cũng được dùng để điều trị tiêu chảy liên quan đến VĐTCT ở người lớn. Tuy vậy, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ cần lưu ý như chóng mặt, mệt mỏi, có thể xuất hiện cơn đau bụng, buồn nôn, khô miệng, đôi khi gây táo bón. Vì vậy, nếu người bị VĐTCT có táo bón không nên dùng loại thuốc này. Cần lưu ý khi phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không tự động mua thuốc sử dụng, nếu thấy cần thiết dùng, cần có chỉ định của bác sĩ.
Một số trường hợp VĐTCT có thể bị táo bón có thể sử dụng thuốc macrogol hay lactulose…Với thuốc macrogol cao phân tử, chúng làm tăng lượng nước trong ruột khi uống vào, do đó có tác dụng nhuận tràng. Thuốc dùng để điều trị táo bón cho người lớn và trẻ trên 8 tuổi, nhưng chỉ dùng để điều trị táo bón tạm thời, không được dùng kéo dài. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải có chỉ định của bác sĩ. Lactulose là thuốc thuộc phân nhóm nhuận tràng, vì vậy có tác dụng làm cho phân mềm ra. Khi dùng, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như đầy hơi, đau bụng, đôi khi tiêu chảy, nhất là khi dùng lần đầu tiên.
VĐTCT gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đối với người bệnh. Vì vậy, khi nghi ngờ VĐTCT cần được khám bệnh đầy đủ, tốt nhất là khám chuyên khoa tiêu hóa. Khi đã xác định được bệnh, người bệnh cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị bởi vì ngay cả khi được chẩn đoán đúng, việc điều trị cũng không đơn giản vì thuốc nào cũng có tác dụng không mong muốn.