Chọn thuốc trị nước ăn chân

01-05-2018 08:06 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi bị nước ăn chân, rất ngứa ngáy khó chịu. Tôi có thể dùng thuốc nào để trị bệnh này?

Hoàng Anh Tín

(Lào Cai)

Về mùa mưa lũ, bệnh nước ăn chân khá phổ biến, nhất là ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ như nơi anh ở. Bệnh nước ăn chân có tên khoa học là bệnh nấm kẽ chân. Khi bị bệnh này người bệnh sẽ thấy vùng da ở giữa các kẽ ngón chân bị bong tróc, chảy nước dịch vàng và rất ngứa.

Để điều trị bệnh nấm kẽ chân thường dùng các dung dịch BSI (thành phần gồm: acid benzoic, acid salicylic, iod và cồn 70 độ), ASA (thành phần gồm: aspirin, natri salicylat pha trong cồn 70 độ), các thuốc mỡ có thành phần chống nấm như ketoconazole, ticonazol... Ngoài ra, nếu các tổn thương nặng có thể uống thêm thuốc kháng nấm như griseofulvin, sporal...

Khi bôi thuốc bệnh nhân cần chú ý vệ sinh sạch chỗ da bị nhiễm bệnh, sau đó dùng bông thấm nước hoặc miếng gạc mỏng thấm thuốc rồi bôi lên vùng có bệnh, ngày bôi 2 - 3 lần. Trong quá trình dùng thuốc người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: đau rát, lột da, có thể tăng sắc tố sau bôi thuốc... Vì vậy, tuyệt đối không lạm dụng thuốc, bôi kéo dài, bôi số lượng lớn thuốc và nhiều lần trong ngày. Nên thực hiện dùng thuốc liên tục không ngắt quãng cho đến khi làn da lành hẳn.

Để phòng bệnh nước ăn chân, anh cần chú ý luôn giữ cho bàn chân khô ráo. Sau khi đi ngoài mưa về hoặc sau thời gian ngâm chân trong nước lâu cần cởi bỏ giày dép ra ngay, rửa chân bằng nước sạch và lau khô ngay hai chân. Khi phải lội dưới nước lâu cần đi giày, ủng để bảo vệ bàn chân.


PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng
Ý kiến của bạn