Chọn thuốc trị mẩn ngứa cho trẻ

14-07-2016 08:12 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay, nắng nóng thay đổi liên tục nên rất dễ khiến trẻ bị mẩn ngứa do da trẻ rất nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết.

Hiện nay, nắng nóng thay đổi liên tục nên rất dễ khiến trẻ bị mẩn ngứa do da trẻ rất nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết. Nhiều gia đình lo lắng khi thấy da của con mình nổi những nốt đỏ, mụn đỏ hoặc mụn nước trên cơ thể. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ mất đi nếu biết cách giữ vệ sinh và dùng thuốc đúng cách.

Mẩn ngứa ở trẻ là gì?

Hiện tượng mẩn ngứa ở trẻ là tình trạng viêm cấp tính hoặc mạn tính trên da, một biểu hiện khác của dị ứng, dân gian quen gọi tình trạng này là “nấm sữa”. Mẩn ngứa là triệu chứng chung của nhiều bệnh như bệnh về da, dị ứng, tâm thần, rối loạn chuyển hóa, bệnh về máu... Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi. Mẩn ngứa do rất nhiều nguyên nhân như: phản ứng histamin dưới da, hàm lượng hydrocholoric acid trong dạ dày hạ thấp quá mức, do thiếu vitamin B-complex, do môi trường bẩn - ô nhiễm, thời tiết khí hậu nắng nóng, thay đổi thất thường... Ngoài ra cũng có thể do trẻ bị dị ứng với các loại thuốc như penicillin, aspirin, tartrazin, benzoat, tegretol hoặc chất hóa học như thuốc tẩy rửa, xà phòng, nước lau nhà.

Biểu hiện ban đầu của bệnh là bị ngứa ở vùng da 2 má khiến trẻ thường xuyên phải lắc cọ đầu hoặc dùng hai tay gãi. Sau khoảng một thời gian, trên má trẻ nổi những nốt mẩn như hạt gạo, sau đó hình thành những mọng nước; rồi những mọng nước này vỡ ra, chảy nhiều nước vàng và đóng vảy. Lúc này, trẻ rất ngứa, thường xuyên quấy khóc, ngủ không yên giấc.

Bôi thuốc chữa mẩn ngứa cho trẻ.

Các thuốc chữa mẩn ngứa ở trẻ

Để chữa mẩn ngứa cho trẻ, hiện nay thường sử dụng 3 nhóm thuốc chính sau đây:

Nhóm thuốc crotamiton (crotamiton 10%, kem eurax...): là thuốc chữa mẩn ngứa dạng mỡ, dùng để bôi ngoài da, có tác dụng làm giảm ngứa, giảm tình trạng gãi, tránh trầy xước, giảm tình trạng bội nhiễm cho trẻ. Thuốc có tác dụng nhanh và duy trì trong khoảng 6 giờ. Crotamiton thấm tốt qua da sau khi được thoa nhẹ và không để lại vết bẩn sau khi sử dụng. Để sử dụng thuốc này có hiệu quả, các bậc cha mẹ có thể thoa nhẹ kem 2-3 lần cho trẻ mỗi ngày cho đến khi hết ngứa. Nếu trẻ còn ngứa dai dẳng, vẫn có thể được dùng dài ngày hơn. Có một vài trường hợp ngoại lệ dùng thuốc gây kích ứng da hoặc dị ứng do tiếp xúc nên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trong trường hợp trẻ vẫn ngứa dai dẳng sau 5 ngày sử dụng.

Nhóm thuốc kháng histamin: ví dụ thế hệ 1 gồm promethazin hydroclorid (phenergan, dimedrol), chlorpheniramin maleat (dạng bào chế riêng hoặc kết hợp trong một số thuốc điều trị cảm cúm); brompheniramin maleat, diphenhydramin hydroclorid, hydroxyzin hydroclorid... Thế hệ 2 gồm loratadin, cetirizin hydroclorid; fexofenadin; acrivastin. Thuốc kháng histamin có tác dụng điều trị triệu chứng dị ứng, mẩn ngứa chứ không chữa được nguyên nhân nên không giúp trẻ khỏi bệnh được hoàn toàn. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ các nguyên nhân gây dị ứng, mẩn ngứa (thuốc, mỹ phẩm, bụi, thời tiết, thức ăn...). Việc dùng thuốc do đó cũng phải kiên trì, dùng nhiều đợt mới hạn chế được tái phát. Các thuốc nhóm này hay gây một số tác dụng phụ như khô mắt, khô miệng, bí tiểu tiện. Vì vậy, muốn dùng thuốc này cho trẻ, các bậc cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ. Với những trường hợp dùng thuốc kháng histamin không đỡ thì không nên tự tăng liều thuốc mà cần phải đi khám lại để chọn phương pháp điều trị khác tối ưu hơn.

Nhóm thuốc steroid (prednisolon, betamethason, hydrocortison): Khi trẻ bị dị ứng nặng như bị côn trùng đốt sưng ngứa khó chịu, có thể dùng steroid dạng uống hoặc tiêm hay bôi ngoài da. Tác dụng của nhóm thuốc này là chống viêm, chống ngứa, chống phù nề rất hiệu quả. Tuy nhiên, hạn chế của thuốc là có nhiều tác dụng phụ, nguy hiểm cho sức khỏe như: viêm loét dạ dày, loãng xương, tăng huyết áp, béo phì, giảm sức đề kháng của cơ thể... Do đó, khi dùng thuốc cho trẻ, các bậc phụ huynh nhất định phải được chỉ dẫn và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ da liễu. Do thuốc steroid bôi ngoài da có thể ngấm qua da và tác động đến toàn thân nên chống chỉ định bôi thuốc trên diện rộng và không dùng trong thời gian dài, không sử dụng nhóm thuốc này khi trẻ bị nhiễm nấm.

Sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm

Các bậc cha mẹ cũng cần biết thêm rằng, những loại thuốc bôi ngứa ngoài da chỉ có tác dụng giảm ngứa, giảm sưng nhưng không giảm được tình trạng nổi mẩn. Trong trường hợp trẻ không kiểm soát được đôi tay mà cào gãi, chỗ ngứa sẽ dễ bị bội nhiễm. Khi đó nên dùng kết hợp với thuốc kháng sinh như: gentamycin, clotrimasol, neomycin… Nếu tình trạng ngứa lặp lại nhiều lần, cha mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân gây dị ứng mới có thể điều trị dứt điểm.

Bên cạnh việc sử dụng các thuốc chữa mẩn ngứa nói trên, để chữa trị và chăm sóc cho bé có hiệu quả, cha mẹ phải xác định được nguyên nhân gây bệnh để cách ly trẻ với chúng; Vệ sinh cho da trẻ sạch sẽ bằng cách tắm rửa hàng ngày; Đảm bảo cho da trẻ luôn sạch sẽ; Tránh để trẻ gãi lên những vùng da tổn thương; Mặc cho trẻ những bộ quần áo rộng rãi và mềm mại; Lựa chọn cho trẻ một thực phẩm phù hợp để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ được tốt nhất. Nếu tình trạng nổi mẩn nặng hơn, bạn cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để xử trí kịp thời.


PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sáng
Ý kiến của bạn