Hà Nội

Chọn thuốc trị đau mắt đỏ do virut

30-01-2018 18:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang lan rất nhanh, nhất là trong các trường mầm non. Bệnh dễ lây lan và thường phát triển thành dịch vào đầu vụ hè hàng năm.

Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang lan rất nhanh, nhất là trong các trường mầm non. Bệnh dễ lây lan và thường phát triển thành dịch vào đầu vụ hè hàng năm. Vậy khi bị đau mắt đỏ cần phải làm gì, dùng thuốc gì để khống chế bệnh cũng như phòng bệnh đau mắt đỏ như thế nào?

Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc, nguyên nhân gây bệnh do virut, vi khuẩn, dị ứng. Trong đó, đau mắt đỏ do virut là phổ biến nhất. Adenovirus nhóm B typ 3,7,1 chiếm tỷ lệ từ 65-90% các trường hợp mắc bệnh, thời gian ủ bệnh là 2-8 ngày; còn Enterovirus thời gian ủ bệnh là 24 giờ, chủ yếu là virut Coxsakie typ A. Chúng có thể gây thành dịch lây lan rất nhanh. Ngoài ra còn các virut khác như simplex và Herpes zoster... Người có sức đề kháng kém có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần trong năm do mỗi lần nhiễm một loại virut khác nhau. Sau khi khỏi bệnh người bệnh có miễn dịch với Adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài nhưng không có khả năng bảo vệ với typ khác hoặc chủng virut khác.

Khi bị đau mắt đỏ cần đi khám sớm để tránh biến chứng.

Các biểu hiện...

Ngày đầu tiên chỉ đau một mắt, những ngày sau mới lan sang mắt thứ hai. Mắt cộm như có bụi chui vào, rát bỏng trong mắt, nhìn chói; nước mắt chảy liên tục một chất dính là thanh dịch nhày trong, gây nhìn mờ ban ngày, gây dính mắt khi ngủ (thường gọi là dử hoặc ghèn) làm cho người bệnh rất khó chịu. Có trường hợp hai mắt sưng tím đen như bị đấm mạnh vào mắt, thanh dịch có màu đỏ như mắt bị chảy máu. Khoảng 80% trường hợp bệnh nhẹ chỉ diễn ra 7-14 ngày là khỏi. Những trường hợp có giả mạc và màng (là dịch thấm fibrin cùng các bạch cầu đa nhân thoát ra qua các mạch máu kết mạc bị viêm đông lại trên biểu mô kết mạc) phải đến bác sĩ chuyên khoa mắt bóc ngay (giả mạc dễ bóc, màng khó bóc). Nếu để chậm màng sẽ dính khi bóc sẽ chảy nhiều máu, khi khỏi thường để lại sẹo. Trường hợp nặng bệnh sẽ kéo dài 30-45 ngày với biểu hiện dử mắt ra nhiều, nhìn mờ, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ. Người bệnh phải thường xuyên mỗi tuần 1 lần đến bác sĩ khám để thay thuốc cho phù hợp. Có trường hợp chuyển sang hội chứng khô mắt điều trị rất lâu, thường gặp ở người lao động trí óc trên 65 tuổi gây suy giảm thị lực và sức lao động.

Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa mắt để khám bệnh và chỉ định dùng thuốc. Sau đó phải cách ly người bệnh với cộng đồng (7 ngày) để tránh lây lan.

Dùng thuốc thế nào?

Các loại thuốc không kê đơn: Thuốc nhỏ mắt natri clorid 0,9%  mỗi lần nhỏ 2 giọt một mắt: giúp làm mềm nhử dính trên mắt khi ngủ dậy, chống khô mắt và loại bớt virut (nhỏ thường xuyên 2 giờ 1 lần).

Thuốc nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng: vitamin A D (người lớn không quá 5.000 UI vitamin A/ngày 500 UI vitamin D3/ngày), dùng liên tục 10 ngày rồi nghỉ. Dùng thêm vitamin C viên uống, vitamin B2. Trường hợp đau mắt nặng, quá 20 ngày chưa khỏi cần dùng thêm thuốc nhỏ mắt chứa vitamin nhóm B và chondroitin hoặc thuốc nhỏ mắt chứa vitamin A, E, B6.

Các loại thuốc do bác sĩ kê đơn: Thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như: cloramphenicol, tobramycin, moxifloxacin, ofloxacin, neomycin... chỉ sử dụng tối đa 7 ngày, nếu chưa khỏi phải thay thuốc khác. Mỗi ngày nhỏ 4-6 lần có tác dụng phòng bội nhiễm vi khuẩn gây viêm loét giác mạc. Các thuốc này không có tác dụng diệt virut.

Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid như dexamethason, hydrocortison, fluoromethason, prednisolon... có tác dụng chống viêm, giảm chảy thanh dịch nhày làm mờ mắt, mỗi ngày nhỏ 4-6 lần. Không được dùng quá 10 ngày (cấm dùng khi có viêm loét giác mạc. Dùng lâu dài sẽ có nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp). Hai loại thuốc này thường được các nhà sản xuất bào chế trong 1 biệt dược (có nhiều tên biệt dược như chlorocid- H, dexacol, pandex, polydexa, neodex...).

Nước mắt nhân tạo có tác dụng hút, giữ nước duy trì độ ẩm trên mặt nhãn cầu, tăng độ nhầy, tránh tình trạng khô mắt. Nhưng do có rất nhiều biệt dược khác nhau về dược chất (hàng chục loại) nên người bệnh không biết để chọn cho hợp với mình, vì vậy cần bác sĩ kê đơn để chọn lựa, tốt nhất là thuốc không có chất bảo quản benzalkonium chloride. Nếu dùng lâu dài chất này sẽ tích lũy trên bề mặt nhãn cầu phá vỡ cấu trúc lipid làm mất tính bền vững của màng phim nước mắt. Trường hợp viêm kết mạc nặng mỗi ngày phải tra thường xuyên 5-6 lần. Chỉ dùng khi thấy khô mắt, không dùng liên tục nhiều ngày.

Vệ sinh phòng bệnh

Người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác (để tránh truyền virut qua đường hô hấp). Không bắt tay hoặc ôm hôn người khác. Phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; dùng nước muối đẳng trương 0,9% để rửa mắt sau khi ngủ dậy; thường xuyên súc họng, xịt rửa mũi để loại bỏ virut. Lau dử mắt thường xuyên bằng khăn sạch hoặc giấy vệ sinh sạch (dùng 1 lần rồi bỏ hoặc giặt sạch bằng xà phòng, phơi ngoài nắng) có thể cắt gạc mềm thành nhiều miếng nhỏ 20x20cm làm khăn để lau và chú ý giặt thường xuyên hoặc mua giấy vệ sinh mềm dai (gọi là giấy lụa) để lau 1 lần cho tiện. Không dùng chung chậu rửa mặt, khăn lau tay, thuốc nhỏ mắt với người khác. Các loại thuốc nhỏ mắt sau khi mở chỉ dùng 15 ngày đến tối đa là 30 ngày dù còn hạn dài vẫn phải loại bỏ. Tránh xem tivi; sử dụng máy tính bảng, máy vi tính, điện thoại di động nhiều. Không được chơi game. Thường xuyên chớp mắt và ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Uống nhiều nước.


DS. Trần Xuân Thuyết
Ý kiến của bạn