Hà Nội

‘Chọn khu đất tái định cư có vị trí thuận lợi sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân’

15-01-2024 15:56 | Thời sự
google news

SKĐS - ĐBQH cho rằng, cần ưu tiên lựa chọn khu đất có vị trí thuận lợi nhất để tái định cư sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ người dân.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tái định cư

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 15/1, các ĐBQH đã cho ý kiến đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau để hoàn thiện dự thảo luật trước khi bấm nút thông qua.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, về cơ bản, nội dung dự thảo luật đã khá hoàn chỉnh, có thể thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, có một số điểm, cần cân nhắc, điều chỉnh để tránh bỏ trống, hoặc tránh mâu thuẫn.

Đại biểu Cường đánh giá cao quy định tại Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, và Điều 110 về các dự án hỗ trợ tái định cư khi đã cụ thể hóa khá rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 là việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bảo đảm cho người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

‘Chọn khu đất tái định cư có vị trí thuận lợi sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân’- Ảnh 1.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại điểm a, khoản 2, Điều 110 quy định hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây là tiêu chuẩn tối thiểu đối với khu tái định cư; có thể có địa phương có điều kiện xây dựng khu hạ tầng khu vực nông thôn đạt chuẩn của khu vực đô thị. Do vậy, tại điểm này đại biểu Cường đề nghị bổ sung hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khu đô thị mới đối với khu vực đô thị.

Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với quy định tại khoản 3, Điều 110 về địa điểm tái định cư được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi; sau đó mới mở rộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố; sau đó tại địa bàn khác có điều kiện tương đương.

‘Chọn khu đất tái định cư có vị trí thuận lợi sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân’- Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội bổ sung thêm quy định phải ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch là đất ở, có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn được lựa chọn để hình thành khu tái định cư.

Ông Hoàng Văn Cường lấy ví dụ thực tế từ các dự án tái định cư đường Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội đang thực hiện dành vị trí thuận lợi nhất cho tái định cư nên người dân phải di dời chỗ ở rất đồng tình ủng hộ, đại biểu Cường cũng đề nghị bổ sung thêm một điểm: "Ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất ở địa bàn được lựa chọn để làm khu tái định cư".

Phân loại đất cần rà soát bảo đảm thống nhất

Góp ý làm rõ thêm một số nội dung trong dự án luật, ĐBQH Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu quan điểm, về việc phân loại đất tại Điều 9, cần rà soát bảo đảm sự thống nhất với các loại đất, nhóm đất trong các quy hoạch có liên quan. Đại biểu cho rằng, theo quy hoạch sử dụng đất, đất đai được phân làm 3 nhóm đất, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng; theo quy hoạch xây dựng gồm đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và đất khác.

Chỉ rõ chi tiết từng nhóm đất cũng có mâu thuẫn như đất có cùng mục đích, đất có mục đích công cộng, đất phát triển hạ tầng ở mỗi quy hoạch cũng có sự khác nhau… đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm để tránh mâu thuẫn.

‘Chọn khu đất tái định cư có vị trí thuận lợi sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân’- Ảnh 3.

ĐBQH Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, Điều 15 có 5 khoản quy định về trách nhiệm của Nhà nước, trong đó có 3 khoản quy định "Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng", đại biểu Tiến cho rằng, vấn đề đặt ra là khi thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng, góp vốn… bằng quyền sử dụng đất thì Nhà nước có trách nhiệm gì, đề nghị cần đc làm rõ điểm này.

Về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, theo quy định tại điểm c, Điều 67 thì dự án được đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì phải có quyết định phê duyệt hoặc phải có chấp thuận chủ trương đầu tư; nhưng khi thẩm định dự án đầu tư, yêu cầu phải có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Vậy, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có trước hay chủ trương đầu tư có trước, đại biểu nêu câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề đang gây khó dễ cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về xử lý tồn tại thực tế hiện nay là nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã nộp tiền sử dụng đất ở các thời điểm khác nhau nhưng chưa được giao đất ở. Đây là tồn tại gây bức xúc ở hầu hết các địa phương, do đó đại biểu đoàn Vĩnh Phúc kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xử lý, bổ sung.

Tin vui: Người dân có đất không giấy tờ sắp được cấp sổ đỏTin vui: Người dân có đất không giấy tờ sắp được cấp sổ đỏ

SKĐS - Thời điểm công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền đến trước ngày 1/7/2014.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn