Chọn đúng nước uống giúp giảm nguy cơ bệnh tiểu đường

20-05-2015 18:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Nghiên cứu mới cho thấy: việc thay thế các loại đồ uống có ga và sữa ngọt bằng nước khoáng, trà hoặc cà phê mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2.

Nghiên cứu mới cho thấy: việc thay thế các loại đồ uống có ga và sữa ngọt bằng nước khoáng, trà hoặc cà phê mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2.

Thói quen uống nước ngọt hàng ngày tăng nguy cơ tiểu đường

Trong nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Diabetologia, các chuyên gia cho biết: cứ gia tăng 5% năng lượng được cung cấp mỗi ngày từ các đồ uống ngọt, ví dụ như nước ngọt có ga hoặc đồ uống chứa nhiều đường thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 có thể gia tăng lên đến 18%.

Uống nước đun sôi để nguội thay vì nước ngọt hoặc sữa ngọt giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

GS.TS. Nita Forouhi - Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng nghiên cứu Y khoa của Trường ĐH Cambridge (Anh) nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những bằng chứng quan trọng liên quan đến khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về việc hạn chế tiêu thụ lượng đường tự do trong chế độ ăn uống hàng ngày” - Những bằng chứng trực quan đáng giá này hỗ trợ việc nghiên cứu mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường và bệnh tiểu đường typ 2 mà những nghiên cứu trước đây thường dựa trên việc sử dụng bảng câu hỏi về tần số sử dụng thực phẩm. Điều này gây khó khăn trong việc tính toán dựa trên các loại đồ uống cá nhân và phần lớn không tính được lượng đường trong các đồ uống đó.

Các chuyên gia nghiên cứu mức tiêu thụ nước giải khát của 25.639 người trưởng thành trong độ tuổi từ 40-79 tuổi ở Anh và không có ai bị bệnh tiểu đường khi tham gia thử nghiệm. Để đo lường mức tiêu thụ nước uống, những người tham gia ghi lại tất cả mọi thứ mà họ ăn và uống trong thời gian 7 ngày liên tiếp.

TS. Forouhi cho biết: “Bằng cách đánh giá chi tiết chế độ ăn uống với một cuốn nhật ký thực phẩm, chúng tôi đã nghiên cứu dựa trên một số loại đồ uống khác nhau có đường cũng như đồ uống có chứa đường hóa học - ví dụ như diet soft drink (nước có ga dành cho người ăn kiêng) - và nước ép trái cây, đồng thời kiểm tra xem điều gì sẽ xảy ra nếu nước khoáng, trà hoặc cà phê không đường được thay thế cho đồ uống có đường”.

Những người tham gia thực nghiệm được theo dõi trong khoảng 11 năm sau khi hoàn thành việc đánh giá chế độ ăn uống. Trong thời gian này, 847 người tham gia đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường typ 2 khởi phát.

Đối với mỗi phần ăn hàng ngày sử dụng nước ngọt có ga, đồ uống có sữa ngọt và đồ uống có chứa đường hóa học, các nhà nghiên cứu thấy rằng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 tăng lên khoảng 22%.

Nước khoáng, trà và cà phê giảm nguy cơ mắc tiểu đường

Vậy chúng ta có thể dùng loại đồ uống nào để có lợi cho sức khỏe? Theo tính toán của các chuyên gia, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ gây bệnh tiểu đường khi một đồ uống ngọt nào đó được thay thế bằng nước khoáng hoặc trà hay cà phê không đường. Uống một trong các thức uống không đường thay vì uống đồ uống ngọt mỗi ngày có thể giảm thiểu rủi ro đến 14%; thay thế một khẩu phần hàng ngày của sữa ngọt làm giảm nguy cơ mắc bệnh từ 20-25%.

Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng việc thay thế một thức uống ngọt có đường bằng một thức uống có chứa đường hóa học không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

“Tin tốt là nghiên cứu của chúng tôi cung cấp các bằng chứng rằng việc thay thế khẩu phần hàng ngày theo thói quen của một loại nước giải khát có đường hoặc uống sữa có đường bằng nước hoặc trà, cà phê không đường có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cung cấp các đề xuất thiết thực về đồ uống thay thế lành mạnh để phòng ngừa các bệnh tiểu đường”, TS. Forouhi cho biết.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có phần hạn chế do thực tế rằng chế độ ăn uống chỉ được kiểm tra ở giai đoạn đầu của nghiên cứu và nó không tính đến bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra theo thời gian. Các chuyên gia cho rằng những người trưởng thành tiêu biểu cho nước Anh tiêu thụ các loại đồ uống ngọt cao hơn những gì nghiên cứu này ghi nhận, từ đó có thể thấy rằng những lợi ích tuyệt vời hơn mà nghiên cứu này mang lại là hoàn toàn khả thi.

Các chuyên gia đưa ra kết luận rằng: “Thống nhất giữa các bằng chứng nghiên cứu trước đây và những bằng chứng mới được tạo ra thông qua nghiên cứu lần này khá tức thời và thích hợp để xem xét can thiệp dựa trên dân số nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ đồ uống ngọt nhiều đường và tăng mức tiêu thụ đồ uống thay thế phù hợp”.

Đầu năm nay, Medical News Today ghi nhận một nghiên cứu tìm ra rằng việc thêm fructose có thể gây ra bệnh tiểu đường typ 2.

(Theo Medical News Today, 5/2015)

Thanh Thanh

 

 


Ý kiến của bạn