Chọn đúng loại thuốc trị cảm lạnh theo các triệu chứng

07-02-2022 17:04 | An toàn dùng thuốc

SKĐS- Cảm lạnh là chứng bệnh rất thường gặp, với hầu hết mọi người đều có thể bị 2 hoặc 3 đợt cảnh lạnh hằng năm…

Cảm lạnh thông thường, thường do virus gây ra, nên không có cách chữa trị, nhưng thuốc không kê đơn (OTC) có thể làm dịu các triệu chứng và giảm tác động của cảm lạnh đến các hoạt động hàng ngày của người mắc.

1.Các triệu chứng của cảm lạnh

Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường xuất hiện từ một đến ba ngày sau khi tiếp xúc với virus gây cảm lạnh. Các dấu hiệu và triệu chứng, có thể khác nhau ở mỗi người, bao gồm:

  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau họng
  • Ho
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau nhức cơ thể nhẹ hoặc đau đầu nhẹ, đau xoang
  • Hắt xì hơi liên tục
  • Sốt nhẹ
  • Cảm thấy không khỏe (khó chịu)

Hầu hết các loại thuốc cảm điều trị nhiều hơn một triệu chứng, nên có thể hữu ích khi xác định triệu chứng nghiêm trọng nhất và đưa ra lựa chọn dựa trên việc giảm bớt triệu chứng đó.

Một điều quan trọng cần nhớ: Cố gắng không dùng hai loại thuốc có chứa các thành phần hoạt tính giống nhau. Bởi nếu tăng gấp đôi, người bệnh có thể nhận được quá nhiều thuốc (quá liều). Điều này có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

photo-1644212516068

Cảm lạnh là chứng bệnh thường gặp

2.Thuốc cảm tốt nhất cho sổ mũi

Chảy nước mũi là cách cơ thể phản ứng với tình trạng viêm và kích ứng do virus cảm lạnh gây ra trong đường mũi. Trong trường hợp chảy mước mũi mà không cảm thấy quá nghẹt mũi, nên chọn dùng diphenhydramine để làm khô mũi.

Diphenhydramine là một chất kháng histamin, giúp làm giảm phản ứng tự nhiên của cơ thể bạn đối với các chất gây kích ứng và mầm bệnh, điều này có thể hữu ích nếu bạn bị sổ mũi do cơ thể bạn đang giải phóng histamine. Tuy nhiên, diphenhydramine (benadryl) có thể khiến bạn buồn ngủ. Đó là lý do tại sao, khi dùng thuốc này, tốt nhất bạn nên dùng thuốc này trước khi đi ngủ.

3. Thuốc cảm tốt nhất cho ngạt mũi

Ngạt mũi (nghẹt mũi) là triệu chứng thường gặp khi mắc cảm lạnh. Nó cũng có thể tồn tại trong xoang ngay cả sau khi các triệu chứng khác biến mất.

Để giảm nghẹt mũi, hãy thử thuốc thông mũi có hoạt chất pseudoephedrine. Thuốc có thể giúp giảm sưng các mạch máu nhỏ trong đường mũi và làm khô chất nhầy mà cơ thể tạo ra, cho phép bạn thở dễ dàng hơn.

Phenylephrine là một loại thuốc thông mũi khác có sẵn cho chứng nghẹt mũi.

Tuy nhiên, không nên dùng một trong hai loại thuốc thông mũi này quá bốn lần một ngày.

4. Thuốc cảm tốt nhất cho sốt và đau nhức

Sốt và đau nhức được kích hoạt bởi viêm trong cơ thể. Điều trị chứng viêm có thể làm giảm mức độ đau và làm dịu sự khó chịu.

Sốt và đau nhức có thể giảm bớt bằng cách dùng ibuprofen. Ibuprofen là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), cũng như naproxen. Mặc dù không phải là NSAID, acetaminophen (tylenol) là một loại thuốc giảm đau khác có thể giúp giảm sốt và đau nhức.

photo-1644212520176

5. Thuốc cảm tốt nhất cho đau họng và ho

Nếu cơn ho làm đau họng, hãy tìm thuốc có chứa dextromethorphan. Thuốc có thể làm giảm các triệu chứng ho, qua đó làm giảm đau họng, nhưng nó không điều trị được nguyên nhân gây ho của bạn.

6. Thuốc cảm tốt nhất cho đau đầu do viêm xoang

Khi các triệu chứng tắc nghẽn xảy ra trong xoang, bạn có thể cảm thấy áp lực sọ não và "nghẹt thở" trong đường mũi. Đau đầu do viêm xoang này thường là triệu chứng chính mà mọi người liên tưởng đến "lạnh đầu".

Ibuprofen hoặc naproxem có thể giúp giảm đau. Thuốc thông mũi như pseudoephedrine có thể giúp giảm tắc nghẽn nhưng cần lưu ý thuốc có thể gây tác dụng phụ như bồn chồn hoặc lo lắng.

7. Thuốc cảm ban đêm tốt nhất cho giấc ngủ

Thuốc kháng histamine có thể giảm ho và cũng khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Thuốc có chứa chất kháng histamin như doxylamine hoặc diphenhydramine có thể giúp bạn dễ ngủ hơn khi bị cảm lạnh.

8. Thuốc cảm tốt nhất cho những người bị tăng huyết áp

Thuốc thông mũi có thể nguy hiểm cho những người bị tăng huyết áp. Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo, tránh các thành phần hoạt tính sau nếu bạn đang sống chung với tăng huyết áp. Đó là: Oxymetazoline, phenylephrine, pseudoephedrine…

Thay vào đó, hãy dùng thuốc long đờm, chẳng hạn như guaifenesin, và lưu ý đến các loại thuốc OTC được sản xuất an toàn cho những người bị huyết áp cao.

AHA cũng khuyên bạn nên tránh dùng NSAID, như ibuprofen, nếu bạn đang sống chung với bệnh huyết áp cao, vì chúng cũng có thể có tác động tiêu cực khi dùng quá thường xuyên.

Làm theo hướng dẫn dùng thuốc một cách cẩn thận và nói chuyện với bác sĩ nếu bạn không chắc chắn về việc thuốc cảm có thể ảnh hưởng đến việc điều trị huyết áp của bạn như thế nào.

9. Khi nào mới dùng thuốc kháng sinh trị ho và cảm lạnh

Thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị cảm lạnh thông thường. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, và cảm lạnh thường do virus gây ra, nên không dùng kháng sinh để trị cảm lạnh.

Nếu bạn bị nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn gây ra, bạn sẽ cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp.

10. Các biện pháp tự nhiên trị cảm lạnh

Ngoài thuốc không kê đơn để giảm bớt các triệu chứng, có một số biện pháp điều trị tại nhà cũng có thể hữu ích. Đó là:

10.1 Nghỉ ngơi nhiều

Nghỉ ngơi là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể cung cấp cho cơ thể khi đối phó với cảm lạnh, cũng như ngủ đủ giấc giúp tăng hệ thống miễm dịch cho cơ thể.

10.2 Cung cấp đủ nước cho cơ thể

Uống đủ nước (nước lọc, trà thảo mộc…) có thể giúp làm loãng dịch đường hô hấp, chống tắc nghẽn và nói chung giúp làm dịu các triệu chứng của bạn.

photo-1644212523894

10.3 Hít hơi nước từ vòi hoa sen hoặc bát nước nóng

Hít hơi nước có thể làm dịu sự tắc nghẽn và giúp bạn thở dễ dàng hơn.

10.4 Sử dụng máy tạo độ ẩm

Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng nơi bạn ngủ có thể giúp đường mũi thông thoáng hơn.

10.5 Bổ sung kẽm

Mặc dù cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về liều lượng thích hợp, bổ sung kẽm đã được chứng minh là giúp ích cho hệ thống miễn dịch và có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh.

10.6 Mật ong

Mật ong có thể làm dịu cổ họng và có thể giúp giảm ho.

10.7 Tỏi

Tỏi có đặc tính khử trùng và kháng khuẩn có thể hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Khi chọn thuốc trị cảm lạnh, hãy cố gắng chọn một loại dựa trên các triệu chứng ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất và cân nhắc thời gian bạn dùng chúng trong ngày.

Hãy nhớ luôn đọc các hướng dẫn về liều lượng, và không tăng gấp đôi các loại thuốc có cùng thành phần hoạt tính.

Cảm lạnh thường có thể mất 7-10 ngày. Nếu bạn vẫn cảm thấy ốm sau đó hoặc nếu các triệu chứng của bạn bắt đầu tồi tệ hơn, hãy đi khám bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?


DS Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn