Chọn đồ chơi Trung thu an toàn cho trẻ, tránh loại có âm thanh lớn, ánh sáng mạnh

03-08-2022 11:41 | Xã hội
google news

SKĐS - Thị trường đồ chơi Trung thu ngày càng đa dạng với đặc điểm chung là rất bắt mắt, âm thanh sống động,… Đây là những yếu tố rất thu hút trẻ nhỏ nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe của trẻ.

Đồ chơi âm thanh quá lớn làm suy giảm khả năng nghe ở trẻ

Loại đồ chơi có âm thanh lớn rất thu hút sự chú ý của trẻ. Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa, điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, âm thanh thông thường để tai nghe được có tần số khoảng 10 Decibel. Ở mức từ 60-90 Decibel, tai sẽ bị đau do tác động trực tiếp vào hệ thống dây thần kinh tiếp nhận âm thanh.

Đồ chơi phát ra âm thanh quá lớn, lại nghe liên tục dẫn đến khả năng bị hỏng tai, điếc tai, thủng màng nhĩ, nghễnh ngãng, suy giảm khả năng nghe là cực kỳ lớn. Đây chính là hậu quả của tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khi nghe âm thanh to quá mức hoặc sống ở những nơi có quá nhiều tiếng ồn.

Theo TS. Nguyễn Văn Khải, tai trẻ nhỏ rất mỏng, nhạy cảm, hệ thống màng nhĩ, các dây thần kinh còn yếu, chưa phát triển hoàn thiện. Việc nghe những âm thanh có tần số quá cao sẽ hủy hoại khả năng nghe sau này của trẻ.

Chọn đồ chơi an toàn cho trẻ, tránh loại có âm thanh lớn, ánh sáng mạnh - Ảnh 1.

Thị trường đồ chơi Trung Thu phong phú, đa dạng về chủng loại.

Hiện nay, các đồ chơi điện tử có tiếng ồn lớn ngày càng trở nên phổ biến. Khuyến cáo đưa ra, ở trẻ em giới hạn tiếp xúc an toàn với âm thanh chỉ ở mức dưới 70 decibels (dBA). Nếu cường độ âm thanh quá giới hạn trên sẽ tác động có hại đến trẻ. Không chỉ giày dép mà nhiều loại đồ chơi có độ ồn vượt quá ngưỡng giới hạn chịu đựng của trẻ như đồ chơi điện thoại di động, xe cứu hỏa, súng máy cảnh sát, súng bắn, lính robot…

Độ ồn trên 70 dBA thường gây triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi ở trẻ; trên 90 dBA bắt đầu ảnh hưởng đến thính lực; ngưỡng âm thanh từ 120 dBA khiến trẻ bị đau tai; ở mức 150 dBA (tiếng ồn vũ trường hoặc súng lục bắn) trẻ có thể bị thủng màng nhĩ… Việc tiếp xúc với tiếng ồn vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép trong thời gian 30 phút thường tác động lên sinh lý, gây căng thẳng trục hạ đồi, tuyến yên, thượng thận, gây mất ngủ, ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch của trẻ.

Mắt tổn thương vì đồ chơi có ánh sáng laser

TS. Nguyễn Văn Khải cho biết, loại đồ chơi phát ra ánh sáng mạnh cũng rất nguy hại cho trẻ. Khi thấy những ánh sáng nhấp nháy phát ra, các bé thường có tâm lý thích thú và nhìn chằm chằm vào đó gây phản xạ chớp mắt liên tục, từ đó mắt trẻ bị tổn thương, trở nên mỏi và yếu hơn.

Với những đôi giày phát nhạc, phát sáng, trẻ sẽ có thói quen luôn cúi xuống nhìn, điều này chính là nguyên nhân ảnh hưởng tới sự phát triển của ngực và cột sống ở trẻ. Thói quen này về lâu dài sẽ khiến trẻ có tư thế đi kiểu khom lưng, thu ngực lại, gây hại cho cột sống và xương.

Chọn đồ chơi an toàn cho trẻ, tránh loại có âm thanh lớn, ánh sáng mạnh - Ảnh 2.

Đồ chơi ánh sáng mạnh gây hại cho mắt trẻ nhỏ.

Ngoài ra, ánh sáng laser thường có ở những loại súng đồ chơi phát tia laser, que phát sáng laser cầm tay, bút laser dùng cho thuyết trình… Đây là loại ánh sáng cực nguy hiểm thường làm trẻ em bị thương nghiêm trọng về mắt, có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Điều đáng lo ngại là tia laser thường không tổn thương ngay mà khiến cho tầm nhìn kém đi từ từ theo thời gian. Phụ huynh cần phải hết sức để ý đến con em mình vì tổn thương mắt gây ra bởi ánh sáng từ tia laser có thể không được chú ý trong nhiều ngày hoặc thậm chí cả tuần vì không có dấu hiệu tổn thương nào. Một thời gian dài sau đó, thấy mắt mờ đi thì đã quá muộn.

Nhìn thẳng vào một tia laser phát ra từ đồ chơi còn nguy hiểm hơn cả nhìn thẳng vào mặt trời. Cần tránh cho bé không bị chiếu laser trực tiếp vào mắt bởi kể cả động vật bị nhắm tia laser trực tiếp vào mắt cũng xảy ra hậu quả khôn lường. Khả năng thị lực của trẻ sơ sinh chỉ bằng 1/30 so với người lớn, phụ huynh hãy cẩn trọng lựa chọn đồ chơi cho trẻ, tránh những hệ lụy không đáng.

TS. Khải cũng cảnh báo một loại đồ dùng được nhiều phụ huynh mua sắm cho con nhưng lại có hại không nhỏ là giày dép có đèn phát sáng. Ánh sáng xanh, đỏ… có trong nguồn sáng nhấp nháy liên tục của nhiều loại đồ chơi, giày dép phát sáng tuy cường độ không lớn, nhưng nếu trẻ tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ suy giảm thị lực, thoái hóa điểm vàng và gây mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Đồ chơi gỗ chưa chắc đã an toàn

Lo ngại về tiếp xúc với nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều phụ huynh lựa chọn đồ chơi bằng gỗ cho con. Dù có giá thành cao hơn nhiều so với đồ chơi nhựa, đồ chơi bằng gỗ vẫn hút khách.

Theo chuyên gia về đồ chơi và thiết bị trường học Lê Anh Dũng, khi dùng đồ chơi gỗ, về cơ bản trẻ tránh được các nguy cơ khi tiếp xúc như hóa chất, khả năng gây thương tích cũng như tránh được nguy cơ gãy, hỏng do va đập. Tuy nhiên, đồ chơi gỗ chỉ thực sự an toàn khi nó làm bằng gỗ không qua xử lý hóa chất độc hại, không sử dụng sơn kém chất lượng, keo dán thứ phẩm… để tạo ra mẫu mã bắt mắt.

Nhiều phụ huynh không để ý các tiêu chí này, cứ thấy làm bằng gỗ là nghĩ rằng đó là đồ chơi an toàn và mua về cho con, vô tình đã âm thầm rước độc hại vào cho con mình. Bởi khi đồ chơi được sơn, nhuộm màu, kém chất lượng sẽ tồn dư andehit, trẻ ngửi phải sẽ khó thở. Để các chi tiết dính lại với nhau phải dùng keo dán gỗ, không ít loại keo dán có chứa formaldehyde và kim loại nặng. Ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nếu tiếp xúc.

Trước tiên là hãy mua ở những cửa hàng uy tín, có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng. Nếu được giới thiệu là hàng Việt Nam thì chỉ mua hàng khi người bán hàng đưa ra được những bằng chứng xác đáng là đồ chơi gỗ này sản xuất tại Việt Nam hoặc bạn biết chắc chắn tên tuổi của những hãng sản xuất đồ chơi gỗ này. Có thể tham khảo ở một vài nơi để so sánh, kiểm tra thật kỹ tem chống hàng giả. Nhất thiết phải chọn lựa các đồ chơi không gây ra nguy hiểm và thiệt hại nghiêm trọng cho trẻ. Tuyệt đối không ham rẻ hay vì kiểu dáng màu sắc ấn tượng mà chọn mua những đồ không rõ xuất xứ.

Đồ chơi bằng gỗ an toàn nhất chính là đồ chơi làm từ gỗ mộc mạc (xếp hình gỗ, nhà gỗ, xe gỗ...) bởi gỗ có nguồn gốc từ thiên nhiên nên sẽ an toàn cho trẻ. Dù thời gian dài bao lâu thì những món đồ chơi an toàn bằng gỗ cũng sẽ vẫn được lưu trữ. Nên chọn những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nên kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên. Hãy tìm các bộ phận bị hư hỏng mà có thể nguy hiểm cho trẻ như mảnh vụn trên đồ chơi bằng gỗ, những bộ phận rời nhỏ, hoặc dây tiếp xúc và sửa lại cho trẻ.

Khi mua đồ chơi bằng gỗ, nên kiểm tra các chi tiết tháo lắp xem có hợp lý, khoa học không. Đồ chơi thông minh là đồ chơi có thể linh hoạt tháo lắp nhiều kiểu khác nhau. Hạn chế mua loại đồ chơi bằng gỗ mà các chi tiết được dán lại với nhau bằng keo dán.

Đồ chơi an toàn cho trẻ em là những đồ chơi đảm bảo thỏa mãn tối thiểu các yêu cầu sau: an toàn về hóa học, về cơ lý, về điện - điện tử, về cháy nổ và an toàn về âm thanh. Khi chọn đồ chơi trẻ em các bậc phụ huynh nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, có các chứng nhận an toàn được Cơ quan có thẩm quyền cấp. Như ở Việt Nam thì có dấu CR hay ở châu Âu thì có dấu CE. Vì những chứng nhận này xác nhận sản phẩm đồ chơi đó đã được kiểm soát.
Bé 3 tuổi thủng ruột vì món đồ chơi quen thuộcBé 3 tuổi thủng ruột vì món đồ chơi quen thuộc

SKĐS - Bé gái 3 tuổi bỗng dưng đau bụng, nôn ói và được chẩn đoán rách ruột do món đồ chơi xếp hình bi nam châm quen thuộc bé nào cũng thích.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sự thật khiến người mua đông trùng hạ thảo "ngã ngửa" | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn