Chọn đi du lịch và không chúc tụng: Tết của người Hà Nội đã bớt truyền thống?

13-02-2024 07:18 | Đời sống
google news

SKĐS - Theo quan niệm của nhiều người, Tết là dịp để sum họp với gia đình, thế nhưng không chỉ riêng với những người trẻ mà nhiều gia đình ở Hà Nội hiện nay quan niệm đó đã dần thay đổi.

Nhiều người Hà Nội lên kế hoạch "trốn tết"

Chọn đi du lịch và không chúc tụng: Tết của người Hà Nội đã bớt truyền thống?- Ảnh 1.

Nhiều gia đình trốn Tết đi du lịch. Ảnh minh họa.

"Xách ba lô lên và đi" là cách thưởng thức một cái Tết rất riêng của các bạn trẻ ham "xê dịch". Chỉ ở nhà đến hết mùng 1 Tết, tối mùng 1 chị Khánh Ngọc đã có chuyến bay thẳng vào Phú Quốc để rồi tới mùng 5 mới trở lại Hà Nội. Đó là thói quen 3 năm gần đây của chị Ngọc. Khánh Ngọc cho hay: "Bố mẹ mình suy nghĩ rất thoáng, không gò ép ngày Tết phải là những ngày sum họp cùng gia đình. Vì mình còn trẻ nên bố mẹ cũng không phản đối việc trải nghiệm những vùng đất mới. Mình nghĩ rằng việc đi du lịch vào những ngày Tết cũng góp thêm kiến thức vào cuốn "bách khoa toàn thư" của chúng ta'.

Ngày nay, nhiều người trẻ dường như đã "cởi trói" cho văn hóa đón tết truyền thống. Dường như tết chỉ dành cho sự hưởng thụ, nghỉ ngơi và tận dụng thời gian để khám phá du lịch.

Không chỉ riêng giới trẻ, nhiều gia đình ở Hà Nội cũng chọn đi du lịch vào dịp Tết. 5 năm gần đây, gia đình chị Lan (45 tuổi ở Tây Hồ, Hà Nội) chủ yếu đón Tết ở những điểm đến du lịch. Chị Lan cho biết trước đây đón Tết ở nhà chị cảm thấy áp lực và mệt mỏi khi phải lo đủ thứ từ sắm Tết đến nấu cỗ, rửa bát. Theo thời gian chị dần sợ Tết.

"Cả một năm làm việc mệt mỏi nên chỉ mong đến Tết để được nghỉ ngơi. Tuy nhiên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà cơm, nước. Thấy gia đình một vài người bạn cũng thường đi du lịch xuyên Tết để giải tỏa áp lực, tôi cũng áp dụng và vẫn duy trì thói quen này trong suốt 5 năm", chị chia sẻ.

Chọn đi du lịch và không chúc tụng: Tết của người Hà Nội đã bớt truyền thống?- Ảnh 2.

Mùa xuân ở Lao Xa, Hà Giang.


Năm nay, gia đình 4 thành viên của chị đã có kế hoạch đón Tết ở Nha Trang. Chị Lan đã lên kế hoạch cho chuyến du lịch dịp Tết bằng việc đặt vé máy bay và khách sạn ngay từ tháng 11. Chị cho biết sau khi hoàn tất việc sắm sửa lễ Tết ở cả 2 bên nội ngoại, sáng mùng 2 Tết cả gia đình sẽ lên máy bay để đón Tết ở "nơi xa". "Trong năm, các con đi học, vợ chồng tôi cũng đi làm nên khó có thể sắp xếp được những chuyến đi đông đủ như thế này. Chúng tôi chỉ mong chờ đến Tết để có chuyến đi nghỉ dưỡng cùng nhau", chị Lan nói.

Đồng quan điểm với chị Lan, Bùi Linh (42 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa ở Đống Đa, Hà Nội) cho hay: "Những năm gần đây,Tết nào gia đình mình cũng đi biển hoặc núi, tránh cái Tết ăn nhậu ê hề, dọn dẹp mệt mỏi... vừa lãng phí, vừa hại sức khỏe. Bây giờ, mọi người nên quan niệm là chơi Tết chứ không phải ăn Tết nữa".

Năm nay, gia đình 4 người nhà chị Linh sẽ có chuyến bay đi Chiang Mai (Thái Lan) từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Chị chọn Chiang Mai vì thuận tiện di chuyển và thời tiết ấm áp. Từ 2 tháng trước, chị đã liên hệ đặt tour nhưng lịch trình, giá cả chưa phù hợp.

Cuối cùng cả nhà chọn phương án tự túc. Chiang Mai không có nhiều đường bay thẳng, lại đúng mùa cao điểm nên vé đắt. Theo dự tính, tổng chuyến đi, gồm cả ăn uống sẽ gần 100 triệu đồng. Đó là con số khá lớn nhưng gia đình chị Linh chấp nhận vì đi vào Tết.

"Với tính chất công việc của tôi nếu đi vào ngày trong năm cũng khó có thể tách rời được chiếc laptop. Chỉ vào dịp Tết như này tôi mới thực sự có những chuyến nghỉ dưỡng đúng nghĩa", Bùi Linh nói.

Tết là vui vẻ, hạnh phúc

Chọn đi du lịch và không chúc tụng: Tết của người Hà Nội đã bớt truyền thống?- Ảnh 3.

Bao lâu rồi bạn không có được những phút giây riêng tư ở một vùng đất lạ? (Nguồn ảnh: Unplash

Trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, Tết cổ truyền là thời điểm thiêng liêng. Tết là để trở về, quây quần bên gia đình thân yêu sau một năm làm việc vất vả.

Nhưng hiện nay, nhiều người đã quan niệm rằng, việc sum họp vầy dịp lễ Tết hay lựa chọn du lịch xả hơi sau một năm bận rộn có lẽ tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người.

"Có nên đi du lịch vào ngày Tết hay không mình nghĩ phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Ai muốn sum họp ngày Tết thì về sum họp, ai thích trải nghiệm thì cứ trải nghiệm. Dù chọn gì thì bố mẹ vẫn mong con cái hạnh phúc vì được làm những điều mình muốn. Còn con cái vẫn có thể báo hiếu bố mẹ mà không nhất thiết phải ở bên cạnh", chị Bùi Linh chia sẻ.

Cũng theo chị Linh, mỗi người có quan điểm khác nhau và họ có quyền làm những gì mình muốn. Riêng với chị và bố mẹ chị, nhìn thấy con cái hạnh phúc là lúc họ yên tâm nhất.

Người trẻ sống bằng tương lai, người già sống bằng quá khứ. Giá trị sum họp ngày Tết phụ thuộc vào cách thể hiện tình cảm chứ không phải dựa vào việc đi hay ở. Mỗi người luôn cố gắng làm tròn bổn phận chăm sóc mọi người trong gia đình để ngày nào cũng là ngày Tết sum họp, đoàn viên.

Đặc biệt với người lớn tuổi, tình cảm là quan trọng nhất. Ông bà mong ngóng con cái để hỏi han về cuộc sống, chia sẻ những điều đã qua trong năm cũ. Vì vậy, ông bà sẽ có cảm giác cô quạnh khi lớp trẻ kéo nhau đi du lịch hết. Chính vì thế, lựa chọn nào cũng cần vẹn cả đôi đường.


K.N (t/h)
Ý kiến của bạn