Chốn bình yên của thiên tài nhạc Việt

22-06-2018 11:58 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - So với nhiều nền âm nhạc trên thế giới, nhạc Việt nói chung có thể còn rất nhỏ bé, nhưng mảng âm nhạc cổ điển nói riêng, hình hài các nghệ sĩ Việt đang lớn dần lên, bằng chứng là nghệ sĩ Việt không ngừng đoạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc uy tín mang tầm quốc tế.

Mới đây, nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang đã đoạt giải Nhì của cuộc thi Piano quốc tế lần thứ nhất: 1°Concorso Internazionale Pianistico “Città di Oleggio diễn ra tại Italy.

Dù kén khán giả nhưng nhạc cổ điển ở nước ngoài vẫn thu hút rất đông “người ngoại đạo” đến nghe, trong khi đó ở Việt Nam, những buổi trình diễn nhạc cổ điển chủ yếu vẫn cho “dân trong nghề” nghe là chính.

Dù kén khán giả nhưng nhạc cổ điển ở nước ngoài vẫn thu hút rất đông “người ngoại đạo” đến nghe, trong khi đó ở Việt Nam, những buổi trình diễn nhạc cổ điển chủ yếu vẫn cho “dân trong nghề” nghe là chính.

Bảng thành tích đáng tự hào

Lưu Hồng Quang là con trai PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh (Giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Anh nguyên là sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, lớp GS.TS.NGND Trần Thu Hà từ năm 1997-2007. Từ năm 2008-2010, anh học tập tại Nhạc viện quốc tế Australia, dưới sự hướng dẫn của GS. Kyung Hee Lee. Từ năm 2013-2015, anh học tập bậc Cao học tại Nhạc viện Montreal - Canada, dưới sự hướng dẫn của GS.NSND Đặng Thái Sơn. Đây là giải thưởng quốc tế thứ 14 của anh trong suốt thời gian từ 2006-2018. Hiện nay, Lưu Hồng Quang đang được mời giảng dạy tại Học viện âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật - Sydney Australia (Academy of Music and Perfoming Arts - AMPA - Sydney Australia).

Trước đó, năm 2017, Lưu Đức Anh - sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang học tập bậc sau cao học tại Học viện Âm nhạc Malmo - Thụy Điển đã đoạt giải Nhất “Cuộc thi Piano quốc tế Stockholm - Thụy Điển lần thứ VI”. Trước cuộc thi này, Lưu Đức Anh đã từng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi piano trong nước và quốc tế, đặc biệt là cuộc thi Piano quốc tế “Leopold Godowsky” tổ chức tại Ba Lan năm 2014 và giải Nhất cuộc thi “Andree Charlier” tổ chức tại Bỉ năm 2016.

Cũng trong năm 2017, chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng, Mai Nguyệt Minh đã rinh về 2 giải thưởng danh giá tại 2 cuộc thi piano nổi tiếng thế giới. Cuộc thi International Piano Competions lần thứ VII được tổ chức vào đầu tháng 6/2017 tại thành phố Milan, Ý, là cuộc thi thường niên, danh giá hàng đầu thế giới, nơi hội tụ hơn 200 thí sinh đến từ các nước: Ý, Hungary, Nga, Romani, Tây Ban Nha, Đức, Nhật,...

Thiên tài nhạc Việt sẽ về đâu?

Bảng thành tích của các nghệ sĩ nhạc cổ điển Việt Nam trên “đấu trường” quốc tế ngày càng được nối dài và trở thành niềm tự hào của công chúng nơi quê nhà. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đạt thành tích cao như Lưu Đức Anh hay Lưu Hồng Quang sẽ chọn môi trường nào để phát triển niềm đam mê của mình? Chắc hẳn mỗi người đều có một lựa chọn riêng phù hợp với bản thân. Nhưng không phải ngẫu nhiên người Việt có câu “quê hương là chùm khế ngọt”, dù đi đâu, về đâu, đất mẹ vẫn là chốn bình yên nhất, thiêng liêng nhất. Bởi thế, không ít nghệ sĩ Việt sau nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, vẫn đau đáu hướng về Việt Nam với niềm hy vọng thứ âm nhạc của họ được phục vụ chính khán giả quê hương mình.

“Luật chung trong nghệ thuật là không có chỗ cho những số phận sống trên nhung lụa. Và thành công trong nghệ thuật cũng đòi hỏi phải trả giá. Suy cho cùng, cuộc đời của tôi không được thuận lợi so với các nghệ sĩ quốc tế khác. Sự trắc trở diễn ra từ cuộc sống hàng ngày đến những phức tạp trong gia đình…” - nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn từng nói như vậy. Cống hiến cả cuộc đời cho âm nhạc, cũng có nghĩa là niềm hạnh phúc riêng tư của ông cũng dồn cả vào âm nhạc. Đó là nỗi niềm của người nghệ sĩ lớn tuổi, còn lớp nghệ sĩ trẻ, họ nghĩ gì về con đường âm nhạc của mình? Đâu sẽ là chốn bình yên để họ thỏa niềm đam mê và sáng tạo?

Tròn 25 tuổi, Lưu Đức Anh đã có 20 năm chơi piano. Anh muốn đưa tinh thần phóng khoáng của nhạc cổ điển ra khỏi không gian trang trọng, đến với số đông khán giả. Anh từng chia sẻ: “Ở Việt Nam, nhạc cổ điển phải được diễn trong Nhà hát Lớn, phải trịnh trọng, hoành tráng. Nhưng tôi từng chơi nhạc trong nhà thờ, trong những khán phòng nhỏ xíu chừng 50 chỗ ngồi. Trên sân khấu, nghệ sĩ chơi nhạc rất tập trung, nhưng bước ra sau cánh gà, họ hoàn toàn khác: cởi mở, gần gũi, sẵn sàng giải đáp tất cả thắc mắc về âm nhạc với khán giả. Đó cũng là hình ảnh tôi muốn hướng đến”.

Chính vì sự phóng khoáng ấy và việc được đầu tư đúng mức, dù kén khán giả nhưng nhạc cổ điển ở nước ngoài vẫn thu hút rất đông “người ngoại đạo” đến nghe, trong khi đó ở Việt Nam, những buổi trình diễn nhạc cổ điển chủ yếu vẫn cho “dân trong nghề” nghe là chính. Với những nghệ sĩ trẻ tài năng như Đức Anh, câu hỏi nhận được nhiều nhất là: có trở về hay không? “Trở về” - hai từ này với Đức Anh chỉ nằm trong ý nghĩa tương đối bởi “với những nghệ sĩ cổ điển, ở đâu được chơi nhạc, được mang âm nhạc của mình đến với số đông thì ở đó là nhà”.

Năm 2016, đêm nhạc đầu tiên trong chuỗi hòa nhạc tại quê hương ra mắt khán giả ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với tên gọi Liszt Recital, Lưu Đức Anh đã biểu diễn solo những bản nhạc nổi tiếng, quen thuộc nhất của Liszt trước hơn 500 khán giả. Lưu Đức Anh nói: “Điều tôi ngạc nhiên là buổi biểu diễn thu hút rất đông khán giả, không khí sôi động, họ vỗ tay rầm rầm như show nhạc pop vậy”. Và chính khoảnh khắc đó, chàng trai trẻ biết mình đang đi đúng hướng.

Chung nỗi niềm với Lưu Đức Anh, có lẽ nhiều nghệ sĩ khác đều hy vọng họ được “đi thật xa để trở về” và nếu khán giả Việt từng bước được tiếp cận với âm nhạc cổ điển bài bản, có trình tự, họ sẽ hiểu và thích chúng hơn.


Nam Phương
Ý kiến của bạn