
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An trở thành mái nhà thứ hai của các thương bệnh binh.
Buổi sáng cuối tháng Bảy, nắng trải khắp khuôn viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An đóng tại phường Vinh Lộc, nơi được xem là "mái nhà thứ hai" của nhiều thương, bệnh binh nặng đến từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngay trước cổng vào Trung tâm, dòng chữ "Nặng nghĩa tri ân - Ấm tình đồng đội" như một lời nhắc nhở đầy xúc động về trách nhiệm và lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh tuổi xuân cho Tổ quốc.
Tại đây, hiện có 55 thương, bệnh binh, phần lớn mang tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100% đang được chăm sóc, điều trị lâu dài. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, mang trong mình những vết thương nặng nề. Có người mù hai mắt, có người cụt cả hai chân, bị liệt tủy, tổn thương cột sống hay liệt toàn thân...
Lặng lẽ trong một góc phòng nhỏ tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh, ông Nguyễn Văn Diện (70 tuổi, quê xã Hưng Nguyên) tham dự buổi lễ tri ân đồng đội nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về chiến trường Campuchia, nơi ông từng vào sinh ra tử, vẫn còn in đậm trong tâm trí.
Ở tuổi 20, ông Diện nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường nước bạn Campuchia. Trong một trận bom ác liệt của địch, ông bị thương nặng, mất cả hai chân. "Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Dù mang thương tật, tôi vẫn còn may mắn được sống, được tri ân", ông Diện xúc động chia sẻ.
Sau thời gian điều trị, ông Diện được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An và gắn bó ở đây suốt 45 năm qua. Dù đôi chân không còn, nhưng ông vẫn cố gắng tự lo những sinh hoạt cá nhân hàng ngày. "Tôi vẫn tự làm được một số việc nhỏ, còn lại luôn có các điều dưỡng tận tình hỗ trợ, chăm sóc như người thân trong nhà", ông Diện nói.

Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An tận tình chăm sóc các thương binh có tỷ lệ thương tật cao.
Trong căn phòng nhỏ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp, ông Trần Đình Liên (73 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) lặng lẽ đẩy chiếc xe lăn đến góc tủ, cẩn thận lấy ra chiếc áo bộ đội - kỷ vật gắn liền với một thời tuổi trẻ chiến đấu. Trên ngực áo, tấm Huy chương chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn lấp lánh như minh chứng cho những tháng ngày oanh liệt nơi chiến trường.
Tham gia cả chiến dịch miền Nam và chiến trường Campuchia, ông Liên bị thương nặng trong một trận đánh khi mảnh pháo găm vào cột sống, khiến ông liệt nửa người. Năm 1989, ông được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An và điều trị, sinh sống tại đây suốt 36 năm qua.
"Có những đồng đội của tôi đã hy sinh chỉ cách thời khắc giải phóng vài giờ đồng hồ. Tôi còn sống nên luôn mang theo trách nhiệm kể lại và nhắc nhớ sự hy sinh của đồng đội. Mong thế hệ trẻ hôm nay luôn trân trọng, biết ơn và tiếp bước cha ông trong hành trình dựng xây đất nước", ông Liên chia sẻ.
Bà Trần Thị Thủy - vợ ông Liên cho biết, sức khỏe ông không tốt nên phải ở đây điều trị lâu dài. "Các y, bác sĩ ở trung tâm chăm sóc thương bệnh binh rất tận tình, chu đáo như người thân trong gia đình. Gia đình cảm thấy yên lòng khi ông được sống trong môi trường đầy tình yêu thương như thế", bà Thuỷ nói.
Ông Lê Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An cho biết, đơn vị được thành lập từ năm 1974, với sứ mệnh tiếp nhận, điều trị và chăm sóc các thương, bệnh binh nặng sau chiến tranh, đặc biệt là các trường hợp thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động, Trung tâm trở thành mái ấm an dưỡng của gần 1.000 thương bệnh binh từng vào sinh ra tử nơi chiến trường. Trung tâm hiện đang chăm sóc thường xuyên cho 55 thương, bệnh binh, nhiều người trong số đó mang thương tật lên đến 81-100%.
"Với tình cảm trân quý, biết ơn sâu sắc dành cho những người đã hy sinh một phần thân thể vì Tổ quốc, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn nỗ lực chăm sóc bằng cả tấm lòng. Chúng tôi xem các bác như người thân, cùng sẻ chia và đồng hành để họ có một cuộc sống bình yên, ấm áp", ông Mạnh nói.

Các thương binh nặng mang tỉ lệ thương tật 81%-100%, nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các cán bộ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An.

Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An tận tình chăm sóc các thương, bệnh binh.

Bằng tình cảm trân quý, biết ơn, thương yêu dành cho các thương bệnh binh, cán bộ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An làm việc trách nhiệm, tận tâm, vì một mái ấm an yên cho các thương, bệnh binh.

Thân nhân thương binh vào Trung tâm chăm sóc là nguồn động viên tình cảm, giúp các thương bệnh binh vượt qua khó khăn.

Dịp lễ Tết, người dân, các đơn vị tổ chức vào thăm hỏi thương bệnh binh.


Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, Ban Liên lạc truyền thống CCB Quân khu Trị Thiên B4, B5 Quân khu 4 tại Quảng Bình đến thăm, tri ân và tặng quà các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An.