Cholesterol tốt và xấu

22-02-2018 14:46 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cholesterol đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, nhưng khi cholesterol quá cao lại gây xơ vữa động mạch và là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Cholesterol tốt, cholesterol xấu:

Cholesterol thuộc nhóm chất béo, được vận chuyển trong máu nhờ kết hợp với lipoprotein. Trong sự chuyển hóa cholesterol, lipoprotein có mật độ thấp (LDL-C: low density lipoprotein-cholesterol) cung cấp cholesterol cho tế bào và thành mạch máu, trong khi lipoprotein có mật độ cao (HDL-C: high density lipoprotein-cholesterol) vận chuyển ngược cholesterol từ tế bào trở lại gan để được thải ra ngoài. Quá trình vận chuyển ngược này được thực hiện nhờ tác dụng của một số men và một chất trung gian gọi là CETP (cholesteryl esterase transfer protein). Ngoài tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, HDL-C còn có tác dụng bảo vệ thành mạch, ức chế sự hoạt hóa tiểu cầu, tăng cường sự tạo thành  nitric oxid, do đó giúp giảm nguy cơ của bệnh mạch vành. Vì thế, người ta thường dùng từ “cholesterol tốt” để chỉ HDL-C, và “cholesterol xấu” để chỉ LDL-C.

Tuy lượng HDL-C thấp, LDL-C và cholesterol toàn phần cao được coi là các yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh tim mạch; nhưng trong thực tế, sự điều trị chứng tăng lipid máu lại chú trọng nhiều vào việc giảm cholesterol toàn phần và giảm LDL-C mà chưa chú ý đến tình trạng HDL-C thấp.

Cholesterol

Giảm cholesterol máu:

Không nên để tỉ lệ cholesterol máu vượt 2,5g/lít đối với cholesterol toàn phần và nhất là vượt 1,9g/lít cho LDL-C. Nếu còn có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, hút thuốc lá, thừa cân thì LDL-C không nên vượt 1,6g/lít. Để giảm cholesterol máu, cần thực hiện những điều sau :

Hoạt động cơ thể vừa phải: với thời gian 30 phút/ngày như đi nhanh, bơi lội, đạp xe đạp tốc độ vừa phải theo sức mình. Hoặc tập 1 giờ/ 3 lần/ tuần.

Giảm cân: tác động nhanh đến LDL-C. Nếu giảm được 5% trọng lượng cơ thể, có thể giảm đến 10% cholesterol toàn phần trong 2 tháng tiếp theo.

Ăn sữa chua: theo nghiên cứu Mona Lía-Nut (2013) thực hiện ở 3 vùng của nước Pháp cho thấy các sản phẩm từ sữa ít béo (trừ phô mai) đã làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, có thể giảm đến 30% ở những người dùng nhiều sữa chua. Các sữa chua giảm lượng LDL-C.

Nếu giảm được 5% trọng lượng cơ thể, có thể giảm đến 10% cholesterol toàn phần trong 2 tháng tiếp theo

Các quả đỏ giàu chất kháng Oxy hóa: vào đầu năm 2014, các nhà nghiên cứu xác định các quả đỏ như: dâu tây, anh đào, hồng... giàu các chất anthocyanin (kháng oxy hóa). Nếu dùng 500g quả đỏ/ngày liên tục trong 1 tháng sẽ giảm tỉ lệ LDL-C đến 14%.

Ăn táo: theo một nghiên cứu trên tạp chí y học nổi tiếng British Medical Journal 2013 thì nếu dùng 1 quả táo/ngày có tác động tương tự “statin”(nhóm thuốc trị tăng cholesterol máu ). Đó là nhờ các chất pectin, là các chất xơ hòa tan của quả táo đã giảm lượng cholesterol máu. Khi ăn táo nên ăn cả vỏ để có nhiều chất xơ.

Uống trà: trà xanh giàu chất epigalo catechin maleat(EPGC) có tính kháng oxy hóa. Khi phân tích 14 nghiên cứu, các nhà khoa học Trung Quốc nhận thấy: những người dùng trà xanh trong 3 tuần (với lượng EPGC từ 150 - 2.500mg/ngày), tỉ lệ cholesterol của họ rất thấp so với người không dùng trà. Một tách trà chứa từ 50 - 150mg EPGC, thông thường chúng ta uống 2 - 3 tách trà/ ngày. Nên uống trà xa các bữa ăn, để khỏi ức chế sự hấp thụ chất sắt ở ruột.

Tăng cholesterol tốt (HDL-C):

Phương pháp không dùng thuốc: thay đổi lối sống. Ăn quá nhiều chất bột đường, mập phì, hút thuốc lá sẽ làm giảm cholesterol tốt. Tập luyện, ăn nhiều rau quả tươi sẽ làm tăng cholesterol tốt.

Dùng thuốc: các chất statin(ức chế men HMG-CoA reductase) tuy chủ yếu làm giảm cholesterol xấu nhưng cũng làm tăng cholesterol tốt từ 5 - 8%. Dầu cá chứa nhiều axít béo omega-3 có thể tăng HDL-C.


BS. NGÔ VĂN TUẤN
Ý kiến của bạn