Hà Nội

“Chơi” và “vô thường”

09-06-2013 01:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hai khái niệm “chơi” và “vô thường” dường như không có gì liên quan với nhau.

Hai khái niệm “chơi” và “vô thường” dường như không có gì liên quan với nhau. Khái niệm “vô thường” của Phật giáo có nghĩa là không thường tồn tại mà luôn thay đổi từng sát-na (đơn vị thời gian ngắn nhất có thể tưởng tượng được).Tất cả mọi sự vật thuộc giới vô cơ hoặc hữu cơ đều biến thiên (vô thường).

Còn “chơi” là khái niệm phổ biến trong sinh hoạt mọi người. Chơi là hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, tìm vui thú tiêu khiển, đối lập với làm việc, lao động. Nghĩa là chơi không nhằm lợi ích thiết thực. Nhưng quan niệm về “chơi” cũng như đánh giá hoạt động “chơi” về mặt đạo đức học cũng thay đổi theo sự tiến triển của xã hội. Môn sư phạm học coi trò chơi là một phương pháp để phân tích tính cách con người (dễ biểu lộ tự do hơn khi lao động). Chơi không phải là hoạt động vô ích mà có khi giúp cho một cá nhân thể hiện những khả năng tiềm ẩn không có cơ hội thực hiện trong lao động. Sư phạm có khuynh hướng sử dụng chơi để học. Từ sau Thế chiến II, do cách mạng công nghiệp phát triển, sản xuất dồi dào và do kết quả đấu tranh đòi nghỉ ngơi của công nhân từ hàng trăm năm, xã hội tiêu thụ xuất hiện: chơi (giải trí) trở thành một giá trị xã hội tích cực, một nhu cầu như lao động, được luật hóa (tuần lễ lao động 5 ngày...). Môn nhân học còn cho chơi đùa là gốc các môn nghệ thuật, thể thao, huyền thoại và nghi lễ.

Bà Marsi Paripatra, chuyên gia Thái về văn hóa nghệ thuật Âu Á đã gắn hai khái niệm “chơi” có vẻ bông lơn với khái niệm nghiêm túc “vô thường” trong một bài nghiên cứu (tạp chí Người đưa tin UNESCO).

Theo bà, ở các dân tộc Đông Á, nghệ thuật sống và nghệ thuật nói chung được xây dựng trên những tác động tinh tế của vô thường. Vô thường là nền của cuộc sống con người và là trò chơi của vũ trụ. Mọi sự đều sẽ trôi qua, tuổi trẻ, sắc đẹp, tình yêu, hạnh phúc và bất hạnh... Những giây phút hạnh phúc cần được thưởng thức chính vì chúng chỉ là những cái thoáng qua và cũng vì thế, con người chớ nên quá gắn bó với chúng.

Có lẽ mọi cảm xúc mỹ học đều dựa trên tính vô thường của sự vật và dẫn đến sự “vui vẻ tuyệt vọng”. Nhưng ý thức về vô thường rõ rệt và quán xuyến nhất trong mỹ học đạo Thiền bắt đầu thấm nhuần vào nghệ thuật Trung Hoa và Nhật Bản từ thế kỷ VII.

Ở Nhật, dân chúng đã sùng bái cái ấn tượng thoáng qua (vô thường) ấy tự nghìn xưa với lễ hội thức trắng đêm ngoài trời ngắm hoa anh đào nở lứa đầu tiên. Cũng do lẽ vô thường “chơi” là một triết lý. “Chơi” nghĩa là cởi bỏ mọi chuyện nghiêm túc. Biết sống một cách vô tư, thờ ơ với bản thân mình là một cội nguồn của minh triết và niềm thích thú trong việc “chơi”.

Tác giả so sánh văn hóa và tâm trạng giữa phương Đông và phương Tây:

Người phương Đông ít chú ý đến bản thân (cái Tôi triết học?) hơn người phương Tây. Ở Đông Á, ngoài giới trí thức, ít khi nghe thấy một thanh niên, nam hay nữ nói là họ đang tìm cách “thể hiện mình” vì vốn coi cái Tôi là ảo ảnh. Tín đồ Phật giáo không bao giờ lại nghĩ đến chuyện đi tìm và phát triển một ảo ảnh?”.

Cố nhiên, người Đông Á cũng làm đủ nhiệm vụ xã hội và gia đình của mình như mọi người thuộc các dân tộc khác. Nhưng họ vẫn coi đó chỉ là những vai do xã hội phân công. “Không bao giờ quên rằng đó chỉ là những vai trò diễn do con người đặt ra. Ta càng ít coi trọng thực tế các vai trò ta đóng bao nhiêu thì ta càng sẵn sàng chấp nhận bấy nhiêu những mặt nạ mà phép xử thế quy định cho ta phải khoác lấy, tùy theo giới tính, tuổi tác và vị trí xã hội”.

Quan niệm này khá gần với chữ Nhàn của các bậc nhà nho ta ngày xưa khi cần thoát ly đạo lý Khổng học quá ư nghiêm túc, bóp nghẹt cá thể.

Theo bà Paripatra, người Đông Á ít chú ý đến bản thân hơn người châu Âu. Họ không phân biệt rạch ròi giữa con người và thế giới môi trường, đặc biệt giữa con người và con vật. Họ cho là con người khác các con vật khác, nhưng không cách biệt hoàn toàn. Muốn nhận thấy điều này, chỉ cần nhìn một đứa trẻ trong một công viên Nhật Bản cúi chào một con nai khi cho con nai ăn miếng bánh mì. Ở Đông Á, người ta tuân thủ những nghi thức của phép lịch sự.

Nhà nhân chủng học Bateson cho “chơi” là hình thức truyền thông giữa các loài như chó và khỉ, con người và cá heo, cũng là hình thức truyền thông tốt nhất giữa những con người thuộc các thế hệ khác nhau, các giai cấp và các nền văn minh khác nhau. Khi một đứa trẻ và một con mèo chơi với nhau, sự thống nhất của vũ trụ bị phá vỡ bởi sự kiêu ngạo của con người đã được tái lập trong quá trình chơi.        

 Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn