Giành giải Nhất một cuộc thi âm nhạc hiếm hoi dành cho sáo flute mang tên “Cuộc thi quốc tế dành cho các nghệ sĩ sáo flute” được tổ chức tại Nam Ninh (Trung Quốc) vừa qua, Nguyễn Ly Hương đã ghi tên mình vào danh sách các tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam đoạt giải thưởng âm nhạc quốc tế. Sinh năm 1990, hiện đang học năm thứ 4 hệ đại học chuyên ngành sáo flute tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cô gái tuổi 23 đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Học flute chắc ít có cơ hội tham gia các cuộc thi âm nhạc như piano, violon hay các nhạc cụ khác trong dàn nhạc giao hưởng, Nguyễn Ly Hương đã từng tham gia cuộc thi nào chưa?
Đúng là những cuộc thi âm nhạc riêng về sáo flute rất hiếm, không như những cuộc thi về violon, piano hay những nhạc cụ khác trong dàn nhạc giao hưởng vẫn được tổ chức hàng năm ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là thiệt thòi cho những nghệ sĩ sáo flute, cho nên em nhận thấy cuộc thi này rất ý nghĩa, mang tầm cỡ và là cơ hội hiếm cho những người học sáo flute như em.
Mặt khác, mặc dù ít cơ hội tham gia một cuộc thi riêng cho flute, nhưng các cuộc thi hòa tấu thì có nhiều. Cách đây 6 năm, em tham gia một cuộc thi hòa tấu thính phòng toàn quốc và thật may mắn cũng đạt được giải Nhất. Sau lần thi đấy, cái em được nhiều nhất là em thấy tự tin hơn. Em có thêm động lực để chăm chỉ luyện tập bên cạnh việc thầy giáo chuyên môn luôn hướng em tới những yêu cầu khó hơn. Chính vì thế nên khi đến với cuộc thi lần này, mặc dù thể lệ ban giám khảo đưa ra là thí sinh không được phép chọn bài, tất cả đều là những tác phẩm bắt buộc nhưng em không cảm thấy choáng ngợp mặc dù vẫn biết là không dễ vượt qua và ngay từ đầu xác định không đưa ra tiêu chí phải dành được giải. Có lẽ cũng chính vì tâm lý ấy nên mỗi lần thể hiện tác phẩm em chỉ tập trung cố gắng hết mình vào thể hiện tác phẩm từ kỹ thuật xử lý đến tình cảm, đồng thời luôn cảm thấy bình tĩnh.
Đối với âm nhạc giao hưởng thính phòng, người thầy đóng vai trò quan trọng!
Vâng! Em học flute từ năm 13 tuổi, cũng từ đấy cho đến bây giờ đã là năm thứ 4 hệ đại học em chỉ gắn bó với thầy Nguyễn Trung Thành. Học âm nhạc mất nhiều thời gian, lại học một thầy một trò nên sự gắn kết và tình cảm thầy trò rất cao. Cho nên em đã cố gắng tốt nhất những gì có thể thể hiện trong cuộc thi lần này để không phụ sự kỳ vọng bao nhiêu năm của thầy giáo dành cho em.
Bên cạnh đó, em cũng rất cảm ơn thầy giáo, thạc sĩ Nguyễn Trọng Bằng đã chỉ bảo em rất nhiều trong việc xử lý các tác phẩm trong cuộc thi lần này. Thầy Bằng cũng chính là một trong những giám khảo trong cuộc thi này.
Nhưng điều quan trọng nhất để giành chiến thắng một cuộc thi vẫn là chính bản thân mình?
Vâng. Em đã gắng hết sức trong lúc thể hiện. Có tất cả 79 thí sinh, so với một cuộc thi âm nhạc hàn lâm thì như vậy là nhiều. Nhưng khó khăn nhất mà em cảm thấy chính là cuộc thi không chia bảng theo nhiều lứa tuổi khác nhau mà chỉ duy nhất một bảng dành cho lứa tuổi từ 38 trở xuống. Trong khi đó, theo em nghĩ, độ tuổi ngoài 30 trong âm nhạc mới là độ tuổi chín muồi kể cả từ chuyên môn đến sự am hiểu âm nhạc. Thực sự em đã bị choáng ngợp với trình độ cũng như kỹ thuật của họ.
Các thí sinh tham gia thi độc tấu với 2 vòng thi trong đó phải trình bày những tác phẩm từ cổ điển tới hiện đại và nhiều tác phẩm bắt buộc. Đặc biệt tại vòng 2, thí sinh phải trình bày 1 sonate thuộc trường phái âm nhạc ấn tượng và 2 tác phẩm bắt buộc là bản concerto giọng son trưởng của Mozart và 1 tác phẩm đương đại Trung Quốc. Rất nhiều thí sinh đang là các giảng viên, nghệ sĩ độc tấu hoặc các tay sáo đầu bè của các dàn nhạc lớn. May sao, trong lúc thể hiện tác phẩm dự thi, em đã rất bình tĩnh và cố gắng hết sức mình!
Nguyễn Sơn