Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân có dấu hiệu lo lắng, khàn tiếng, đau ở vùng cổ kèm sưng nề vùng thái dương trái. Trên da có thể thấy đường vào của 2 mảnh dị vật ở vùng cổ trái và vùng thái dương - gò má trái.
Bệnh nhân được chụp X quang cổ thẳng, nghiêng và C.T Scan thanh - khí quản. Kết quả cho thấy 2 mảnh dị vật, một xuyên từ vùng cổ trái vào đến thanh quản, ngay phía trên 2 dây thanh âm, mảnh dị vật còn lại nằm ở vùng thái dương trái.
Hình ảnh mảnh kim loại qua màn hình. Ảnh: BVCC
Sau khi hội chẩn, Ths. Bs Tống Phước Hội, Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai mũi họng - Răng hàm mặt, đánh giá đây là trường hợp phức tạp, dị vật nghi là kim loại do có tính cản quang cao. Với nguy cơ tổn thương thanh quản và rơi vào đường thở bệnh nhân đã được chuyển phòng mổ để lấy dị vật dưới mê nội khí quản lúc 4h00 sáng cùng ngày.
Ở vùng mặt, bệnh nhân được rạch da theo đường chân tóc, bóc tách cân cơ, phối hợp thêm C-ARM để xác định vị trí dị vật trong phẫu thuật và lấy ra một mảnh dị vật kim loại kích thước 3x3x2 mm, nằm sát xương sọ.
Đối với dị vật đường thở, bệnh nhân được soi treo thanh quản bằng ống cứng để khảo sát và tìm dị vật. Quan sát trên phẫu trường thấy 2 dây thanh âm bình thường, tuy nhiên băng thanh thất trái phù nề, sung huyết, đỏ, nhưng không thấy đầu ra của dị vật. Kíp mổ hội chẩn và chọn lựa giữa tiếp tục kiếm dị vật qua đường soi treo thanh quản hay là mổ hở, bộc lộ sụn giáp và tìm dị vật.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiếp tục tìm dị vật qua đường nội soi. Phẫu thuật viên đã mở rộng, bóc tách bên ngoài băng thanh thất trái và tìm thấy đường đi của dị vật, cùng mảnh dị vật.
Cuối cùng lấy ra một mảnh dị vật kim loại hình tam giác 3x4mm. Tiến hành cầm máu, và chụp kiểm tra lại bằng C-arm, không thấy dị vật sót lại. Bệnh nhân có tình trạng phù nề băng thanh thất trái nên được lưu nội khí quản để đề phòng khó thở. Kết thúc cuộc mổ. Hiện tại bệnh nhân đã được tháo nội khí quản và tạm ổn định.
Đây tiếp tục là thành công của các bác sĩ Tai mũi họng tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã xử lý cấp cứu thành công một trường hợp nổ do pháo tự chế. Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng pháo trong những ngày Tết do nguy cơ chấn thương cao đặc biệt ở vùng đầu mặt cổ.