Chơi công viên Linh Đàm, bé trai bị rắn cắn vào chân

24-08-2018 14:27 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trong lúc đang chơi cùng bà ở Công viên Linh Đàm (Hà Nội), bé trai 5 tuổi bất ngờ bị rắn cắn vào chân. Nạn nhân được nhiều người hỗ trợ sơ cứu và đưa ngay đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Không kịp quan sát là rắn gì đã cắn cháu nên bà cháu đã thông báo cho mẹ cháu và đưa cháu vào phòng khám Linh Đàm sơ cứu. Sau đó bé được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Khoảng 10h30 ngày 23/8, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bị rắn  cắn vào cẳng chân phải. Trẻ trong tình trạng tỉnh, không liệt chi, không khó thở, không sụp mi. Vùng cẳng chân phải có vết rắn cắn gồm nhiều vết răng, không sưng nề, bầm tím…

Sau khi thăm khám không thấy trẻ có dấu hiệu bất thường nên các bác sĩ đã chuyển bé lên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để theo dõi.

BS. Nguyễn Thành Nam, phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, đang vào mùa sinh đẻ của rắn nên tình trạng nhiều trẻ bị rắn độc cắn phải nhập viện tăng hơn bình thường.

Một bệnh nhi bị hoại tử tay do rắn cắn được chuyển đến BV Bạch Mai gần đây.

Một tháng gần đây đây, hầu như tuần nào bệnh viện cũng có khoảng từ 1 - 3 ca bệnh nhi bị rắn cắn phải điều trị. Trong đó, hầu hết bệnh nhân đến từ miền núi, trung du.

Cũng theo BS. Nam, có nhiều bệnh nhân do chủ quan, nhập viện tương đối muộn nên tình trạng bệnh chuyển nặng, sưng nề và hoại tử lan rộng, gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.

Bác sĩ Nam khuyến cáo, những phụ huynh có con em nhỏ nên thường xuyên để mắt tới các bé, tránh để các cháu chơi đùa tại những nơi bụi rậm, tối tăm, ẩm ướt vì đây là những nơi rắn hay chọn làm nơi trú ẩn.

Ngoài ra, nếu không may trẻ bị rắn cắn, bất kể là rắn độc hay không độc, cần nhanh chóng sơ cứu đúng phương pháp rồi chuyển bệnh nhân tới các bệnh viện để được điều trị đúng cách.

Người nhà tuyệt đối tránh tin lời chữa mẹo, chữa theo phương pháp dân gian hay đắp thuốc lá,...Tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mà còn gây chậm chễ trong quá trình điều trị.

Cách sơ cứu khi bị rắn cắn
- Động viên bệnh nhân bình tính để làm các động tác sơ cứu, tìm cơ sở y tế tốt nhất có thể đến cấp cứu kịp thời.
- Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
- Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường).
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.
- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).


Lê Nguyễn
Ý kiến của bạn