Trong ngành y có rất nhiều câu chuyện và giai thoại liên quan đến việc chơi chữ bằng tên các vị thuốc. Nhân ngày xuân, xin góp vui mấy chuyện.
Có rất nhiều câu chuyện và giai thoại liên quan đến việc chơi chữ bằng tên các vị thuốc…
Tào Tháo thử Hoa Đà
Hoa Đà là một thầy thuốc nổi tiếng của Trung Quốc sống ở thời Đông Hán. Chuyện kể rằng có lần Tào Tháo đã thử tài vị lương y bằng cách bịa ra câu chuyện có một đơn thuốc thiếu mất 4 vị. Khi Hoa Đà hỏi là những vị gì, Tào Tháo bèn đọc bài thơ tứ tuyệt:
Ngũ nguyệt quá hậu lục nguyệt sơ
Gia gia mãi chỉ bả song hồ
Trượng phu xuất môn dĩ tam niên
Hồng nhạn truyền thư nhất tự vô
Nghĩa là:
Tháng năm qua, tháng sáu đang về
Cửa sổ nhà nhà dán giấy che
Biền biệt ba năm chồng vẫn vắng
Thư từ không một chữ làm ghi.
Biết Tào Tháo có ý thử mình, Hoa Đà suy nghĩ thận trọng rồi nói: “Bẩm Thừa tướng, đó là bốn vị: bán hạ, phòng phong, đương quy, bạch truật”.
Tào Tháo se sẽ gật đầu.
Viếng thầy lang
Nhà thơ Nguyễn Khuyến có người bạn làm nghề thuốc là cụ lang Hai ở Tử Thanh (An Nội, Bình Lục, Nam Định). Không may cụ bị cảm, mất đột ngột đúng giữa mùa hè. Con trai cụ Hai cũng theo nghề y nhưng không cứu được cha mình. Nhà thơ đã gửi câu đối viếng như sau:
Tích tai bạch đầu ông! Bán hạ đan thanh thành tẫn thảo;
Cảm hĩ xa tiền tử! Trường sinh mộc dược tế linh tiên.
(Tiếc thay lão bạc đầu! Giữa hạ tươi xanh thành cỏ úa;
Thương quá người trai cả! Vô phương thần dược cứu cha già).
Câu đối thật ai oán, hợp cảnh nhưng cũng rất tài tình khi nhà thơ đã dùng nhiều chữ trong tên các vị thuốc quen thuộc: bạch đầu ông, xa tiền tử, bán hạ, đan sâm, cam thảo, mộc hương, tế tân, uy linh tiên...
Khóc chồng làm thuốc
Trong các bài thơ được cho là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài Bà lang khóc chồng (hay Khóc chồng làm thuốc) như sau:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
Thương chồng nên khóc tỉ tì ti
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo
Cay đắng chàng ôi vị quế chi
Thạch nhũ, trần bì sao để lại
Quy thân, liên nhục tẩm đem đi
Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ
Sinh ký chàng ôi tử tắc quy.
Bài thơ ai oán nhưng không che giấu sự bỡn cợt. Nữ sĩ đã sử dụng nhiều tên các vị thuốc: cam thảo, quế chi, trần bì, thạch nhũ, quy thân, liên nhục..., có dụng cụ thái thuốc: dao cầu, kỹ thuật bào chế thuốc: sao, tẩm. Chưa kể thành ngữ Sinh ký tử quy (Sống gửi thác về) cũng được tác giả đưa vào rất tự nhiên, hợp lý, trong đó những chữ ký, tử, quy cũng là chữ trong các vị thuốc (con sâu dâu là tang ký sinh, mai rùa là quy bản...).
Một vế đối khó
Có một vế đối liên quan đến nghề thuốc vẫn được lưu truyền:
Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử
Vế đối khó vì cách chơi chữ: cha con = phụ tử; về quê = hồi hương.
Gần đây thấy có vế đối lại:
Chồng vợ diễn viên gặp lại, ca song ca “tái ngộ phu thê”
Vế đối đáp ứng được về chữ: vợ chồng = phu thê; gặp lại = tái ngộ, nhưng về nghĩa hơi gượng vì không biết bài ca “tái ngộ phu thê” là bài nào. Chưa kể ta thường nói “vợ chồng” chứ ít khi nói “chồng vợ”.
Vế đối vẫn đang còn chờ vế đối lại hay và chỉnh hơn!