Bệnh nhi tên là L.G.B gần 20 tháng tuổi, Đại Từ, Thái Nguyên do bị chó nhà tấn công. Các bác sĩ cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng đa chấn thương ở vùng cổ chân, vùng mặt, gãy xương chính mũi, mất nhiều máu.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, cháu bé đang chơi một mình trong bếp thì bất ngờ bị chó nhà tấn công, khi nghe tiếng khóc của bé, gia đình chạy xuống xem thì bé đã bị chó cắn xé rách vùng đầu mặt. Sau khi phát hiện, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng vì mất nhiều máu nên bé nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Hình ảnh cháu bé bị đa chấn thương ở vùng mặt, gãy xương chính mũi.
Sau khi cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực tại Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Theo các bác sĩ, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm về trường hợp trẻ em bị chó tấn công, để lại hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí là đánh đổi bằng cả tính mạng. Các bác sĩ khuyến cáo, với những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi chó phải tiến hành tiêm phòng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với chó, không thả chó nếu không đeo rọ mõm. Ngoài ra, gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, cần giáo dục cho trẻ cách phòng tránh, cách xử lý ban đầu khi bị chó, mèo cắn.
Trước đó, Bệnh viện Việt Đức cũng đã cấp cứu cụ bà Nguyễn Thị Dương, 77 tuổi (Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong tình trạng đa chấn thương, 2 cánh tay và đùi có nhiều vết cắn của chó becgie. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng đa chấn thương, gồm 1 vết rách ở cằm trái, 2 cánh tay có 5 vết thương, 2 vết thương ở đùi phải, thành ngực trái bị xây xát.
Ngay lập tức bệnh nhân được cắt lọc tổn thương, khâu kín các vết rách. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đang được điều trị tại khoa Chấn thương chung. Theo lời kể của người nhà thì bà Dương bị chó cắn khi mang đồ ăn sang cho cháu ngoại. Trong lúc nói chuyện với cháu, con chó becgie của nhà cháu lao vào cắn xé bà Dương khiến bà ngã xuống nền đất, không thể chống cự.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn, người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào.
Cũng trong những tháng đầu năm 2019 địa phương này cũng ghi nhận 2 trường tử vong do bệnh dại, và 1 bệnh nhi bị chó lai do nhà nuôi cắn với nhiều thương tích trên người, mặc dù cháu được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng do cháu bị đa chấn thương quá nặng nên đã không qua khỏi.
Theo BS Hoàng Anh, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Thái Nguyên, ngay sau khi bị chó mèo nghi dại cắn lập tức chúng ta phải giữ vết thương, rửa ngay tại nhà nơi mà bị chó, mèo cắn. Rửa vết thương dưới vòi nước chảy và rửa bằng xà phòng liên tục trong khoảng 15phút, không nặn bóp vết thương cho máu chảy ra. Đặc biệt là không băng kín vết thương.chúng ta nên đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn trong trường hợp cần thiết sẽ được tiêm vắc xin hoặc huyết thanh.